Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị.

Với tinh thần trách nhiệm cao, sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 27/4, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã khái quát lại kết quả và lưu ý những vấn đề lớn, quan trọng của 3 nội dung chiến lược được hội nghị cho ý kiến.

Đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế

Về Định hướng nghiên cứu Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết: Trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP cơ bản thống nhất với Định hướng nghiên cứu Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất điều chỉnh thời hạn của Đồ án quy hoạch là "Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065" như đề nghị của Bộ Xây dựng để thống nhất với Khoản 3 Điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung Thành phố trực thuộc trung ương từ 20 đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm).

Trong quá trình nghiên cứu định hướng điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các cơ quan chuyên ngành của Thành phố cần bám sát các nội dung của Bộ Chính trị và các Nghị quyết, Kết luận liên quan khác của Trung ương và Bộ Chính trị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cyêu cầu việc chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; đồng thời, phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Thủ đô và của vùng Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố kiên định với định hướng phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), Thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và t5 trục phát triển.

Đó là: (1) Trục không gian sông Hồng, lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay;

 (2). Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh;

(3). Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng;

(4). Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh;

(5). Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ-TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, đồng thời đề xuất một số sân bay trên địa bàn Thủ đô chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.

“Đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…, kể cả đường bộ và đường sắt”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ.

Nghiên cứu các tiêu chí của "Thành phố kết nối toàn cầu"

Đối với Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, Ban cán sự đảng UBND TP tiếp tục nghiên cứu, rà soát nội dung Quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng bộ, thống nhất về tổ chức không gian với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).

Đồng thời, cần lưu ý một số nội dung như: Nghiên cứu các tiêu chí của "Thành phố kết nối toàn cầu" tại mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2045, làm cơ sở đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện đáp ứng các tiêu chí này.

Bổ sung, làm rõ hơn vai trò của kinh tế du lịch trong giai đoạn tới, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế và đề xuất phương hướng phát triển đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố. Ngoài ra, cần nhấn mạnh về các điều kiện đặc thù, tiềm năng của hệ thống sông, hồ và rừng của Thành phố không chỉ có vai trò là cảnh quan, sinh thái, môi trường mà còn có ý nghĩa về giá trị văn hóa - lịch sử và coi đây là nguồn lực để phát triển của Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận Hội nghị

 

Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu bổ sung, nhấn mạnh hơn các yếu tố tiểu vùng văn hoá để thấy được tính đa sắc, hội tụ của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Hà Nội còn lưu ý, cần nhấn mạnh chính sách ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Về danh mục các dự án trọng điểm, đề nghị bổ sung yêu cầu trong nghiên cứu, đề xuất các công trình văn hóa, kiến trúc cảnh quan đặc sắc của thời đại để có kế hoạch đầu tư hiệu quả.

Về chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; cần nhấn mạnh chính sách ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội. Về danh mục các dự án trọng điểm, đề nghị bổ sung thêm yêu cầu trong nghiên cứu, đề xuất các công trình văn hóa, kiến trúc cảnh quan đặc sắc của thời đại để có kế hoạch đầu tư hiệu quả.

Đảm bảo các chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự có tính đột phá

Đối với Báo cáo tình hình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban cán sự đảng UBND TP tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó lưu ý hoàn thiện về nội hàm, cơ sở lý luận, thực tiễn của chính sách để đảm bảo tính khả thi, hợp lý và có tính thuyết phục cao khi đưa ra đề xuất với Trung ương, Chính phủ và Quốc hội.

Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá rõ hơn cả về lý luận, thực tiễn và pháp lý; làm rõ được những yếu tố tác động, mặt tích cực, tiêu cực của từng phương án; qua đó so sánh, lựa chọn được phương án, giải pháp phù hợp nhất với đặc điểm, tình hình và vị thế của Thủ đô.

Tiếp tục rà soát, tiếp thu, thể chế hóa tối đa những điểm đột phá, đặc thù tại các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị trong thời gian qua về phát triển đô thị Việt Nam, về đất đai, về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng…

Từ kết quả nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua; những văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ (như trong việc triển khai dự án đường Vành đai 4); nghiên cứu, chọn lọc những nội dung phát huy tốt, hiệu quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, bám sát quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, chọn lọc những chính sách đặc thù, có sự tương đồng giữa 2 thành phố lớn, đô thị đặc biệt của cả nước.

Tiếp tục rà soát các chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, quy hoạch, đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường, văn hóa, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy, biên chế để bổ sung, hoàn thiện; trong đó lưu ý làm rõ nội hàm, cụ thể hóa các chính sách, đặc biệt là các cơ chế về: Tỷ lệ điều tiết ngân sách, cơ chế tài chính đất đai; cơ chế đầu tư công; cơ chế cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; cơ chế tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (thành dự án độc lập); cơ chế, chính sách để xử lý, thúc đẩy các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án được phê duyệt từ trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô; cơ chế phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè… Đảm bảo các chính sách phải thực sự có tính đột phá, khả thi, hiệu lực, hiệu quả, thu hút được các nguồn lực tài chính công và tư, phát huy được nguồn lực đất đai, tài sản công, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của Thủ đô và của cả vùng Thủ đô.

Theo Kế hoạch đã đề ra, dự kiến 3 nội dung nêu trên sẽ cố gắng trình Bộ Chính trị vào những tháng cuối năm 2023, thời gian còn lại không nhiều trong khi khối lượng công việc còn rất lớn, do đó, để đảm bảo tiến độ, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP cần phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, cụ thể; phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân để bảo đảm công việc theo tiến độ đã đề ra./.

Thu Hà