Xác định giai cấp công nhân là lực lượng lao động nòng cốt, có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô và đất nước, ngày 4/4/2008, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã triển khai Chương trình hành động số 32-CTr/TU về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Cụ thể hóa chương trình của Thành ủy, ngày 11/11/2008, LĐLĐ TP Hà Nội ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” với các tiêu chí phù hợp với đối tượng CNLĐ trực tiếp nhằm khích lệ, động viên công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, hăng hái thi đua lao động sản xuất.

Nhiều cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” từ việc nhiều năm rèn luyện tham gia hội thi Thợ giỏi.


Từ những năm đầu phát động, số doanh nghiệp hưởng ứng và CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” chủ yếu tập trung tại doanh nghiệp Nhà nước và công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối nhưng hiện nay, số công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” lại tập trung chủ yếu thuộc các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kể từ khi phát động phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô” đến nay, hằng năm, LĐLĐ TP Hà Nội đều tổ chức trọng thể lễ tuyên dương “Công nhân giỏi Thủ đô” và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào qua đó, đã công nhận 1.789 cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” được xét chọn từ các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành và công đoàn tổng công ty trực thuộc LĐLĐ TP Hà Nội.

Từ thực tiễn phong trào thi đua, Hà Nội có trên 440.000 lượt công nhân đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp cơ sở; trên 21.000 lượt "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở. Riêng trong năm 2023, toàn thành phố có 56.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 1.655 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở”.

Nét đặc trưng của hầu hết các cá nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô” trong những năm qua là những người miệt mài trong lao động, không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt để tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị cao; quan tâm chăm lo bồi dưỡng, kèm cặp, truyền thụ kinh nghiệm quý báu được tích lũy từ những tháng ngày làm thợ cho những thế hệ công nhân kế tiếp.

Các “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2023 được biểu dương.


Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, 15 năm qua, phong trào thi đua "Lao động giỏi" phấn đấu đạt danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" đã được các cấp Công đoàn, CNLĐ tích cực hưởng ứng, thực sự đi vào chiều sâu. 

Nhiều tấm gương công nhân giỏi hiện hữu trên mọi lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi được tôn vinh xứng đáng. Đây là những công nhân trực tiếp lao động sản xuất, dù ở bất kỳ ở ngành nghề, cương vị công tác nào, họ luôn cần cù, chịu khó, tích cực tìm tòi những sáng kiến cải tiến, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu các quy trình công nghệ để hợp lý hóa sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, góp phần cùng doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, cải thiện đời sống người lao động, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. 

"Có thể khẳng định, phong trào "Lao động giỏi" phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô" đã trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn Thủ đô; khẳng định được sức ảnh hưởng, tác dụng to lớn đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông qua các hình thức tôn vinh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất, khơi dậy ý chí, lòng nhiệt tình say mê và tinh thần trách nhiệm của người lao động", ông Phạm Quang Thanh nói./.

Bảo Linh