Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị. 


Chiều 21/4, Đoàn khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022 trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai thông tin, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Thủ đô đạt những kết quả nổi bật. Theo đó, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phát triển toàn diện luôn được quan tâm hàng đầu; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được chú trọng; việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được quan tâm. Đồng thời, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động văn hóa ngày càng được nâng cao; việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa thông qua việc chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Chủ trương từng bước xây dựng nền tảng phát triển, phát huy đặc trưng của công nghiệp văn hóa là “công nghiệp” và “sáng tạo”. Đây là đòn bẩy cho việc mở rộng và phát triển thị trường văn hóa Thủ đô ngày càng có nhiều sản phấm và dịch vụ văn hóa uy tín, chất lượng, hấp dẫn trên thị trường.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn làng, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Thành phố tận dụng tối đa các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, Thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước, quốc tế.

Tại hội nghị, các thành viên Đoàn kiểm tra cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua cũng như các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Các đại biểu cũng trao đổi về các kiến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn cho hiệu quả…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, việc đầu tư nguồn lực để xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa luôn được TP Hà Nội quan tâm. Tuy nhiên, Hà Nội cũng gặp những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công về văn hóa và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiến nghị cần có định hướng về công tác tuyên truyền cũng như tổ chức cho các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội. Các bộ, ngành liên quan của Trung ương cần sớm có các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ các đơn vị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần có các quỹ phát triển văn hóa để hỗ trợ các hoạt động văn hóa truyền thống…

Qua khảo sát thực tiễn, nghe ý kiến từ các đơn vị thuộc TP Hà Nội, ý kiến từ lãnh đạo TP Hà Nội, kết luận cuộc làm việc, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ của Hà Nội rất phong phú, đa dạng, tiêu biểu cho cả nước. Thời gian qua dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng TP Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo, nghị quyết, đưa văn hóa vào cuộc sống. Cùng với đó, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả nội dung này và liên tục nhiều khóa đều có chương trình công tác lớn dành riêng cho phát triển văn hóa.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa và tiên phong triển khai phát triển văn hóa, thực hiện mục tiêu kép vừa phát huy văn hóa ngàn năm, vừa đưa văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là bước tiến đột phá, quan trọng. Thành phố cũng đã kiên trì trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, quan tâm tới an sinh xã hội từ thành thị tới nông thôn...

Chỉ ra những tồn tại, thách thức trong phát triển văn hoá của Hà Nội, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, thời gian tới, Hà Nội cần quan tâm triển khai đồng bộ các chương trình hành động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XVII Đảng bộ TP. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng, tự tin, niềm tin yêu trách nhiệm với Hà Nội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật.

Ngoài ra, cần tiếp tục bám sát các yêu cầu nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ và chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa. Điều này để khai thác tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Thủ đô và góp phần phát triển kinh tế cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu, TP Hà Nội quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành thuộc lĩnh vực này. Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất phổ biến các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Tập trung nghiên cứu giải pháp hài hòa giữa văn hóa truyền thống. Đặc biệt, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ tài năng nghệ thuật của Thủ đô và đất nước để họ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao…/.

Thu Hà