Quang cảnh Kỳ họp.
Dự kỳ họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh…
Diễn ra trong 4 ngày (5-8/12/2023), kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội dự kiến xem xét, thông qua 67 nội dung, trong đó, xem xét 25 báo cáo và 42 nội dung ban hành nghị quyết.
Cụ thể, HĐND TP xem xét báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của TP Hà Nội; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách của TP Hà Nội năm 2023 và dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2024 (gồm phân bổ vốn sự nghiệp và vốn đầu tư công năm 2024; cập nhật cơ cấu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP). Báo cáo về tình hình thực hiện và trình điều chỉnh kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Báo cáo tài chính nhà nước TP Hà Nội năm 2022. Báo cáo quyết toán ngân sách TP năm 2022 và trình ban hành Nghị quyết phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước của TP năm 2022. Báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ năm 2024…
HĐND TP cũng xem xét báo cáo chuyên đề về: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 11/2023/NQ-HĐND ngày 06/7/2023 của HĐND TP về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội (đến tháng 12/2023); kết quả công tác cải cách hành chính năm 2023 (gắn với báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 06/7/2023 của HĐND TP về kết quả giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính, việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội).
Đáng lưu ý, HĐND TP xem xét 42 nội dung ban hành nghị quyết, trong đó, 34 nội dung nghị quyết chuyên đề: Điều chỉnh Kế hoạch tài chính 5 năm TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công năm 2024 và cập nhật cơ cấu kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của TP Hà Nội; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP. Phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án có sử dụng vốn đầu tư công của TP.
Thông qua hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 theo quy định của pháp luật làm căn cứ tính: Thu tiền thuê đất; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê; thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở vượt hạn mức trên địa bàn TP.
Thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quy định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao. Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Quy định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của TP Hà Nội. Quy định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của TP Hà Nội.
Nghị quyết thông qua đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết của HĐND TP phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội. Sáp nhập đặt tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP bầu…
Ngoài ra, HĐND TP cũng xem xét thông qua các nghị quyết về dân sinh, như: Quy định điều chỉnh mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn TP Hà Nội đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND TP Hà Nội. Quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2023-2025. Quy định một số nội dung chi và mức chi công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn TP Hà Nội;
Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2024-2025. Quy định cơ chế huy động và sử dụng các nguồn lực của địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn TP Hà Nội theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó bao gồm các nội dung: Quy định nội dung, mức chi đối với dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025…
Đặc biệt, kỳ họp dành 1 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND TP và cử tri Thủ đô quan tâm. Trọng tâm là tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ đã được HĐND TP quyết nghị, kết luận và những cam kết của UBND TP nhưng còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn nhóm vấn đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn TP.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh, kỳ họp thứ mười bốn, HĐND TP sẽ xem xét 29 báo cáo và thông qua 35 nghị quyết. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, HĐND thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2023 và quyết nghị kế hoạch năm 2024 của thành phố; xem xét, cho ý kiến, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung rất quan trọng như: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; các nội dung chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Đề án Nâng cao năng lực về phòng cháy, chữa cháy….
Về hoạt động giám sát của HĐND TP, kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp.
Thường trực HĐND TP cũng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; Báo cáo kết quả chương trình giám sát năm 2023 về thực hiện kế hoạch đầu tư công và tiến độ các công trình trọng điểm; trình HĐND TP quyết định tổ chức 2 Đoàn giám sát của HĐND TP theo chương trình giám sát năm 2024.
HĐND TP thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND TP thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn; dự kiến 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn kết quả thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND TP đã đến thời hạn nhưng tiến độ còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn về nhóm vấn đề giao thông đô thị của thành phố.
“Đây là những nội dung, lĩnh vực quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phát triển Thủ đô và đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND TP. Đây cũng là hoạt động giám sát nhằm tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả giám sát theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, tại kỳ họp này, tiến hành hoạt động giám sát quan trọng là thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo Quy định của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội.
Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND TP đã ban hành Kế hoạch và triển khai các bước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Trên cơ sở báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi đến từng đại biểu HĐND TP; qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tiễn theo dõi, giám sát, đề nghị các vị đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, đánh giá công tâm, khách quan, chính xác trong ghi phiếu đối với các chức danh do HĐND TP bầu theo quy định.
Tiếp tục phương châm lan tỏa không khí đổi mới, thiết thực, hiệu quả, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND TP phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ để tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, sâu sắc, góp phần vào sự thành công của kỳ họp./.