Quang cảnh Hội nghị.

 

Chiều 25/1, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và TP Hà Nội về tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố (TP) Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong....

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Để thực hiện việc nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô sửa đổi, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND TP, các Sở, ban, ngành Thành phố thực hiện viêc rà soát, tiếp thu, giải trình, đề xuất việc chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và hoàn thiện các hồ sơ theo quy định trên cơ sở các ý kiến thẩm tra của Ủy ban pháp luật, ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Từ ngày 18/12/2023 đến nay, UBND TP đã tổ chức 20 cuộc hội thảo, cuộc họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với sự tham gia của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và một số Bộ, ngành Trung ương, các Sở, ban, ngành Thành phố.

Ban Cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội cho ý kiến đối với nội dung Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và các hồ sơ kèm theo. Thường trực Thành ủy cơ bản thống nhất với những nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý tại Báo cáo và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận cuộc làm việc.

 

Về dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, ở Chương I (những quy định chung) được chỉnh lý như sau: “Luật này quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô”. Phương án chỉnh lý này kế thừa từ Luật Thủ đô năm 2012 và khái quát chung so với phương án trình tại Dự thảo Luật trình Quốc hội.

Về vị trí vai trò của Thủ đô (Điều 2), bổ sung nội dung, khẳng định Thủ đô “là đô thị loại đặc biệt” nhằm tạo thuận lợi chủ Thủ đô trong việc lập, triển khai thực hiện quy hoạch và đô thị hóa.

Đối với nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), được chỉnh lý theo hướng, cho phép chính quyền Thành phố được ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các điều khoản được giao hoặc để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô có thể khác với văn bản quy định của Trung ương và trong trường hợp có sự khác nhau, HĐND TP có thể lựa chọn việc áp dụng pháp luật.

Trong nội dung về tổ chức chính quyền Thủ đô, tên chương được chỉnh lý là: “Tổ chức chính quyền” để khái quát chung phạm vi các quy định của chương này. Đối với thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đã chỉnh lý rõ hơn, phân quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND TP, hoàn toàn chủ động trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, không bị giới hạn bởi khung số lượng cơ quan, tổ chức theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc quy định của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, quy định bổ sung một số yêu cầu, điều kiện để tránh sự tùy tiện, lạm dụng trong việc áp dụng quy định này.

Về tổ chức, bộ máy của HĐND TP, so với dự thảo Luật trình Quốc hội, đã chỉnh lý theo hướng tăng số đại biểu chuyên trách từ ít nhất 25% lên ít nhất 40%, quy định số lượng Thường trực HĐND TP có không quá 9 thành viên và giao HĐND bầu (không quy định cụ thể Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP là ủy viên thường trực). Đồng thời, giao quyền cho HĐND TP quyết định cụ thể ủy viên hoạt động chuyên trách ở các Ban của HĐND TP.

Trong nội dung về quy hoạch, xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, UBND TP đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng bổ sung làm rõ hơn về yêu cầu quản lý đô thị, xây dựng Thủ đô theo quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc và quản lý đô thị; biên tập lại, chỉnh lý các điều khoản theo ý kiến thẩm tra, ý kiến của đại biểu Quốc hội,

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc.

 

Để tiếp tục phối hợp nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội có một số đề xuất Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo định hướng việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo hướng phân quyền mạnh mẽ cho Thành phố và bổ sung những quy định đặc thù để giải phóng, phát huy mọi nguồn lực, tạo thể chế thuận lợi cho xây dựng và phát triển Thủ đô.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao TP Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là Luật đặc thù, riêng biệt, cần rút kinh nghiệm từ Luật Thủ đô trước đây để hoàn thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ thống nhất rất cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao, TP Hà Nội cũng thống nhất cao đây là Luật phân quyền, phân cấp, trao quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, quy định những cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để giải phóng nguồn lực, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực cho phát triển Thủ đô. Cũng là việc vừa tạo thuận lợi cho Hà Nội, vừa giao việc “nặng” hơn cho Hà Nội.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp, TP Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao để tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), coi đây là nhiệm vụ chính trị, là niềm tự hào không chỉ vì Hà Nội mà còn phục vụ sự phát triển đất nước.

Thống nhất với ý kiến của Bộ Tư pháp, của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) là Luật khó, va chạm nhiều Luật khác, nhiều vấn đề mới được đưa ra và cần rút kinh nghiệm của Luật Thủ đô năm 2012, vì vậy, đề nghị 3 cơ quan: Hà Nội, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhóm PV