Nhân dịp này, Quận ủy Hoàn Kiếm đã khen thưởng 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 23-NQ/TW và 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư.

 

Thời gian qua, Quận ủy Hoàn Kiếm đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình công tác để tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”và thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và quận Hoàn Kiếm trong lĩnh vực phát triển văn học, nghệ thuật.

Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, văn hóa, văn nghệ luôn được quan tâm thực hiện tốt. Quận đã đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận. Hằng năm đầu tư ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa để tiếp tục đầu tư giải phóng mặt bằng và tu bổ di tích, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng tại địa bàn dân cư, góp phần bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa.

Giai đoạn 2016-2019 quận đã giải phóng mặt bằng được 14 hộ dân và 01 tổ chức, 77 nhân khẩu ở các di tích Đình Vũ Thạch, đền Hảo Thần, đền Phù Ủng, đình Nam Hương. Tu bổ, tôn tạo tổng thể, hoàn chỉnh được 06 di tích gồm Quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, đình Đông Thành, đình Tú Thị, đình Đức Môn, đình Tân Khai với tổng kinh phí là 108,565 tỉ đồng; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 08 di tích…

Quận đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa nghệ thuật và các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Các di tích lịch sử, công trình văn hóa thường xuyên được quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Quận Hoàn Kiếm duy trì, tổ chức thường xuyên 14 lễ hội văn hóa truyền thống theo Đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm” như: Lễ hội đền Bạch Mã, đình Yên Thái, đình Kim Ngân; lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Trung thu Phố cổ, lễ hội Truyền thống Liên khu I anh hùng; tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian, giới thiệu nghề thủ công truyền thống gắn phố nghề với làng nghề tại các địa điểm di tích trên địa bàn…

Quận đã triển khai nhiều mô hình mới phát huy tiềm năng thế mạnh như: Thí điểm không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng phố Sách Hà Nội tại phố 19/12, không gian bích họa phố Phùng Hưng… Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học nghệ thuật được triển khai tích cực, hiệu quả.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về “Phát triển nền đông y Việt Nam và hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã nghiêm túc tổ chức học tập quán triệt, xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư, Thông tri số 02 của Thành ủy, Thông báo kết luận số 154 của Ban Bí thư về nội dung này.

Các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nền đông y luôn được gắn liền với phát triển hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn và luôn được thể hiện, cụ thể hóa trong các nghị quyết của Đảng bộ quận, phường, các kế hoạch dài hạn, ngắn hạn của UBND quận…

Thời gian qua, Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận và các ban, ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược phố Lãn Ông”; phê duyệt dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông nhằm phát triển việc kinh doanh đông nam dược trên địa bàn quận, phát huy thế mạnh của quận về dịch vụ, thương mại, du lịch; góp phần khôi phục những giá trị truyền thống của nền y học cổ truyền (YHCT) dân tộc.

Công tác kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh và quản lý nhà nước về đông y, đông dược… được quan tâm thực hiện. Hiện nay quận đang quản lý 101 cơ sở YHCT, trong đó có 28 cơ sở chẩn trị tư nhân, 11 cơ sở gia truyền và 62 cơ sở kinh doanh bào chế dược liệu… Hệ thống YHCT của quận gồm: phòng đông y thuộc Trung tâm y tế quận, cơ sở y  học cổ truyền tư nhân với 33 cơ sở phòng khám YHCT và 60 cơ sở kinh doanh dược liệu do Phòng y tế quản lý; Hội đông y trực tiếp chỉ đạo 6 chi hội… Hằng năm Quận và Hội đã khám chữa bệnh được 248.100 lượt bệnh nhân…

Công tác nghiên cứu khoa học về Đông y như sưu tầm, ứng dụng những kinh nghiệm dân gian, những cây thuốc quý luôn được quan tâm. Việc nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được UBND quận đưa vào kế hoạch phát triển y học cổ truyền; đã có 03 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được Thành phố và Quận công nhận gồm: Đề tài “Đánh giá tác dụng điều trị bệnh đau thần kinh hông do lạnh và do thoái hóa cột sống bằng điện châm kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt” của Trung tâm y tế Quận; Đề tài “Nhận xét hiệu quả điều trị đau lưng do thoái vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp điện trường châm kết hợp xoa bóp, bấm huyệt” của bệnh việt Việt Nam – Cu Ba; Đề tài “Tăng tỷ lệ tuân thủ bảng kiểm an toàn thủy châm” của bệnh viện Việt Nam – Cu Ba…

Việc xã hội hóa và hợp tác quốc tế về YHCT luôn được quan tâm. Quận Hoàn Kiếm luôn tạo điều kiện để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở khám chữa bệnh như phòng chẩn trị YHCT trên các tuyến phố Lãn Ông, Hàng Bồ, Hàng Bạc… Hoạt động của Hội luôn gắn kết với màng lưới y tế Quận phối hợp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn và góp phần tích cực xây dựng, pahts triển nền YHCT của dân tộc…

Nhân dịp này, Quận ủy Hoàn Kiếm đã khen thưởng 6 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và khen thưởng 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư về “Phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”./.

 

 

Đức Nghĩa