Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã triển khai Dự án bò sữa giai đoạn 2019 - 2022 tại 3 xã của huyện Ba Vì là Tản Lĩnh, Yên Bài và Vân Hòa. 

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Trưởng ban Quản lý dự án thông tin, Dự án có nguồn vốn 2 tỷ đồng, thực hiện giải ngân cho 80 hộ vay với số tiền 25 triệu đồng/hộ. Hiện dư nợ gốc đang cho vay là 2,063 tỷ đồng cho 173 thành viên.

Chị Quách Thị Thanh chăm sóc đàn bò sữa của gia đình.


Quá trình thực hiện, Ban quản lý Dự án các cấp đã quay vòng cho các thành viên có nhu cầu vay vốn. Tính đến hết tháng 5/2022, đã giải ngân 25 đợt cho 244 lượt hộ gia đình hội viên, trong đó, có 222 hộ mua bê, bò; 110 con bê đang trong thời kì phát triển; 22 hộ vay sử dụng vốn sửa chữa chuồng trại, mua dụng cụ vắt sữa, thức ăn chăn nuôi. Cùng với đó, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu chăn nuôi bò và đồng cỏ Ba Vì tổ chức 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi.

Là thành viên của dự án từ những ngày đầu, năm 2019, gia đình chị Quách Thị Thanh (xã Tản Lĩnh) chào đón thêm 2 thành viên là 2 chú bê xinh xắn. Từ 25 triệu đồng vay, đến nay đàn bò nhà chị đã lên con số 12, trong đó 7 con đang cho khai thác. 

"Đều đặn mỗi ngày thu được 1 tạ sữa, trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tôi mong muốn thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ quan tâm có thêm các dự án hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi phát triển đàn bò sữa, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương", chị Thanh bày tỏ.

Không chỉ được biết tới là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mồ Đồi, giờ đây, chị Hoàng Kim Tới còn được mệnh danh là người nuôi bò mát tay nhất xã Vân Hòa. Tổng đàn bò hiện nay của gia đình là 30 con, trong đó 12 con cho khai thác sữa với sản lượng 200kg/ngày, thu nhập trung bình 78 triệu đồng/tháng. 

Chia sẻ bí quyết, chị Tới cho hay đó là kết quả của việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, tiếp cận trang thiết bị máy móc ngay từ những ngày đầu nên việc khai thác sữa bò trở nên dễ dàng hơn, giảm nhân công mà hiệu quả lại cao hơn rõ rệt.

Trao thưởng cho 5 tập thể triển khai hiệu quả Dự án.


Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Lê Thị Tuyến thông tin, từ đàn bò lúc đầu, hiện đã có 112 con đang cho khai thác sữa với sản lượng mỗi ngày 10 - 20kg/con. Với giá sữa dao động từ 8.000đ - 15.000 đồng/kg, đàn bò hiện mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ vay. Qua 3 năm triển khai, đã có 3 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, 164 hộ khó khăn có thu nhập ổn định, mức sống được nâng lên.

Giờ đây, tại 3 xã Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài đã thành lập 6 tổ vay vốn với 219 thành viên. Hàng tháng, tổ chức sinh hoạt, thu gốc và thu lãi của thành viên, kết nạp và bình xét cho vay, đồng thời trao đổi kinh nghiệm; duy trì việc thực hiện tiết kiệm bắt buộc đối với các thành viên. Theo đó, mỗi thành viên tiết kiệm 50 nghìn đồng/tháng, nhằm tạo thêm nguồn vốn cho vay phát triển kinh tế gia đình. Đến hết tháng 5/2022, các tổ đã tiết kiệm được 125,95 triệu đồng cho 17 hộ vay thêm vốn đầu tư chăn nuôi bò, không có trường hợp nào phải xử lý rủi ro. Tỷ lệ hội viên sinh hoạt Hội tại các xã thực hiện dự án cũng tăng đáng kể so với trước.

“Xuất phát từ nhu cầu và hiệu quả thực hiện Dự án, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đề xuất với Ban Quản lý Dự án bò sữa thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho kéo dài thời hạn thực hiện dự án 36 tháng, kể từ tháng 8/2022; đồng thời bổ sung nguồn vốn để các hộ chăn nuôi tiếp tục có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, bà Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh./.

Bảo Quyên