Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và Thành ủy Hà Nội trao Cờ lưu niệm
cho các đội dự thi Hội thi “Dân vận khéo” cấp Thành phố Hà Nội năm 2019. (Ảnh:TA)
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, công tác dân vận trên địa bàn Thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến sâu sắc, với những cách làm mới, sáng tạo. Nổi bật là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ, đảng viên, nhân dân và thực sự đi vào đời sống xã hội. Thông qua thực hiện phong trào đã nâng cao được nhận thức, trách nhiệm và phong cách dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo phương châm: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, đặc biệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị Thành phố trong công tác dân vận.
Để triển khai hiệu quả trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 05/12/2016 “Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020”; đồng thời, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị và Thành phố.
Công tác tuyên truyền, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức cuộc thi viết về gương “Dân vận khéo” năm 2018, năm 2020; Hội thi “Dân vận khéo” bằng hình thức sân khấu hóa năm 2019; tham gia hưởng ứng cuộc thi báo chí viết về gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 - 2020... Việc bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” cũng được duy trì; đồng thời đẩy mạnh xây dựng các mô hình mới, trong đó tập trung vào các lĩnh vực khó, phức tạp trong đời sống xã hội.
Kết quả, từ năm 2009 đến nay, toàn thành phố có 78.494 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, 17.114 mô hình được công nhận, biểu dương và khen thưởng. Tại các địa phương, đơn vị, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả với cách làm hay, sáng tạo, có sức lan toả và đạt hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Nổi bật là trong lĩnh vực kinh tế, hệ thống dân vận Thành phố đã tập trung triển khai các mô hình “Dân vận khéo” về phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng… Nhiều doanh nghiệp “khéo” vận động để người lao động hăng say sản xuất, tập trung xây dựng môi trường làm việc thân thiện, cải tiến chế độ tiền lương, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động trực tiếp.
Thông qua triển khai các mô hình “Dân vận khéo” đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát huy tiềm năng, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống vật chất cho người dân Thủ đô. Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%); tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.188,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 11,1%/năm; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bằng 1,8 lần cả nước.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động, tuyên truyền cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; tham gia ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Trong những năm qua, nhân dân Thủ đô đã hiến hàng triệu m2 đất để mở đường giao thông liên thôn, liên xã, nâng cấp, cải tạo đường làng, ngõ xóm, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống thủy lợi nội đồng để đóng góp cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới (NTM)... Đến nay, Thành phố có 356/386 xã đạt chuẩn NTM, có 6 huyện Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Quốc Oai được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Đáng chú ý, mô hình “Dân vận khéo” đối với đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thường xuyên được các cấp, các ngành chú trọng; tập trung vào việc vận động, hướng dẫn đồng bào có đạo sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở địa phương... Tính đến 31/12/2019, Thành phố có 07/14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sống quần cư đã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,5% xuống còn 1,8%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 11,9% xuống còn 3,57%, không còn xã đặc biệt khó khăn.
Phong trào “Dân vận khéo” trong lĩnh vực an ninh quốc phòng đã kết hợp hiệu quả với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân”, thế trận an ninh nhân dân, thông qua đó, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư theo hướng tự quản, tự phòng, tự đảm bảo an ninh trật tự.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri... Công tác dân vận của các cấp chính quyền Thành phố đã tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân...
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tăng cường nắm tình hình nhân dân, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc trên địa bàn Thành phố, nhất là tại các địa bàn phức tạp theo Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngay từ cơ sở, cộng đồng dân cư.
Có thể khẳng định trong thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố quan tâm đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nên đã có sức lan toả và đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện và được nhân rộng, đóng góp tích cực vào những thành tựu về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Thành phố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và Thành phố.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều cơ hội và thách thức đan xen, nhất là những tác động sâu sắc, toàn diện của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống nhân dân Thủ đô, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ làm công tác dân vận nói riêng phải tiếp tục nỗ lực, phát huy trách nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy kỹ năng “Dân vận khéo”, bám sát địa bàn dân cư, nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là các vấn đề bức xúc trong các tầng lớp nhân dân, kịp thời tham mưu cấp ủy giải quyết, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, trong đó, cần tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và Thành phố.
Tích cực tham mưu cấp ủy đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận theo hướng thực chất, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dự báo tình hình và tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh, những vấn đề bức xúc trong nhân dân, nhất là những nơi còn khó khăn, yếu kém, vụ việc kéo dài theo Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy.
Trước mắt, cần tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp, thực hiện mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội; vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận để vận dụng vào phong trào ở từng lĩnh vực, từng đối tượng một cách hiệu quả, thiết thực.
Hai là: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nội dung, phương thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị, từng đối tượng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, chủ đề công tác năm của Trung ương, Thành phố.
Ba là: Quan tâm bồi dưỡng, duy trì, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, đã được công nhận; đồng thời tiếp tục quan tâm xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực mà các cấp ủy Đảng, chính quyền đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đối với đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc, công nhân ở các khu công nghiệp, trong giải quyết các điểm nóng phức tạp, bức xúc nổi cộm, trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân...
Tăng cường phối hợp viết tin, bài, phóng sự, tổ chức các hội nghị tọa đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức hội thi sân khấu hóa, cuộc thi viết về gương “Dân vận khéo”,... để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, phổ biến các cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, có tính mới, đột phá trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bốn là: Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và có giải pháp để nhân rộng điển hình “Dân vận khéo”. Các cấp chính quyền tăng cường công tác dân vận chính quyền, tiếp tục quan tâm xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ công chức, thực hành phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, gần dân, sát dân hơn, nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng; triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội.
Năm là: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tâm niệm bốn chữ “yêu nước, thương dân”. Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, là động lực và là nguồn sức mạnh quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh”; phát huy truyền thống và thành tựu vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội những năm qua đã phát huy được sứ mệnh là cầu nối xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân ngày thêm sắc son, cùng chung sức, đồng lòng, phấn đấu xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp./.