Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hỗ trợ từng người dân

Chính thức được UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) xây dựng và triển khai mạnh mẽ từ tháng 6/2022, đến nay, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến quốc gia, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

“Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đang phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: TN).

Tổ trưởng Tổ dân phố, cán bộ Cảnh sát địa phương, cán bộ UBND phường Trúc Bạch… là thành viên trực tiếp tham gia đội cơ động. Đội quán triệt nguyên tắc hoạt động là đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng hộ gia đình để phổ biến về mục đích, cũng như lợi ích mà người dân nhận được khi sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia. Bằng sự hướng dẫn kịp thời với cách làm hay, mô hình đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng và đánh giá cao từ phía người dân.

Chị Phạm Thị Thanh Việt, ở phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi được cán bộ phường đến tận nhà để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động.

“Trước đây, khi cần làm những thủ tục giấy tờ, tôi cũng đều phải đến trụ sở phường, có khi phải chờ 2-3 ngày mới giải quyết xong, mất rất nhiều thời gian. Khoảng 5 ngày trước, đội cơ động của phường đã đến nhà, phổ biến và hướng dẫn tôi cách sử dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại di động. Kể từ đó, mọi thủ tục giấy tờ tôi có nhu cầu thực hiện đều trở nên tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ phường, bây giờ tôi cũng như người dân có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến”, chị Việt chia sẻ.

Góp phần thực hiện số hóa trong giải quyết hành chính

Dịch vụ công trực tuyến (hay còn gọi là dịch vụ công điện tử) là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Với việc sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông, dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu của công dân và tổ chức 24/24h, ở bất cứ đâu có kết nối mạng internet, vượt qua mọi rào cản về địa lý, không gian và thời gian.

Thực tế, dịch vụ công trực tuyến đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore… Và Việt Nam cũng đã và đang vận hành, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Được biết, mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” là “chiến dịch” nhằm cụ thể hóa “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030” của Chính phủ và đẩy mạnh tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến.

Thành viên "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tận tình hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: TN).

Trên thực tế, nhu cầu thực hiện các dịch vụ công như: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký cơ sở kinh doanh… đang ngày càng phát sinh nhu cầu của người dân và trở nên thiết yếu trong đời sống xã hội. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa nhiều.

Thậm chí, nhiều người dân còn chưa biết sử dụng cũng như không có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, đặc biệt là những người cao tuổi. Chính vì vậy, việc triển khai mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, qua quá trình đẩy mạnh triển khai, đến nay, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn phường đã tăng rõ rệt.

“Ngay từ những ngày đầu triển khai, lãnh đạo UBND phường đã yêu cầu các thành viên trong đội phải tích cực, chủ động mang dụng cụ như máy tính để hướng dẫn trực tiếp; phô tô ra giấy các bước, mô tả thực hiện bằng hình ảnh trực quan giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận trên nền tảng điện tử. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất thuận tiện, nhưng không phải người dân nào cũng biết sử dụng, nhất là đối với người cao tuổi. Đội cơ động đã giúp hơn 7 nghìn dân phường Trúc Bạch nhanh chóng, hiệu quả tiếp cận dịch vụ công trực tuyến…”, đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, sau khi được nghe tư vấn, thuyết phục, người dân đã hiểu rõ được lợi ích, ý nghĩa của mô hình. Chứng minh hiệu quả của cách làm này đó là có nhiều hộ dân đã chủ động liên hệ với đội cơ động qua đường dây nóng của phường, yêu cầu được hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến kịp thời. 

Phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên, ngoài làm tốt nhiệm vụ chính là hướng dẫn người dân làm quen, sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến, mỗi thành viên đều tích cực tuyên truyền quy định pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp dữ liệu thông tin; tuyên truyền cách nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua mạng xã hội; đồng thời, gợi ý các biện pháp phòng tránh tiêu cực, lừa đảo dẫn tới bị đánh cắp thông tin cá nhân khi người dân sử dụng nền tảng mạng xã hội.

Với cách thức hoạt động chuyên nghiệp, “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đã kịp thời đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân làm quen với dịch vụ công trực tuyến. Trong thời gian tới, việc mở rộng phạm vi triển khai mô hình này không chỉ hỗ trợ người dân được tiếp cận với công nghệ thông tin mà còn giúp tối giản thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, từ đó, nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong cải cách hành chính quốc gia./.

 

Ngọc Mai