Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TA)
Sáng 4/12, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo, trong năm 2020, các cơ quan của Thành phố tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật phục vụ công tác cải cách tư pháp (CCTP), bổ trợ tư pháp. Hoạt động của các cơ quan tư pháp Thành phố tiếp tục có chuyển biến tích cực, kết quả thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt so với năm 2019, như tỷ lệ xác minh, yêu cầu điều tra, kiểm sát các vụ việc đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,87%; tỷ lệ truy tố đúng hạn đạt 100%, truy tố đúng tội danh đạt 99,93%.
Trong năm, các cơ quan điều tra Công an Thành phố đã tiếp nhận 16.126 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; đã kết thúc xác minh 13.944 tin, khởi tố hình sự 4.674 vụ. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp Thành phố đã thụ lý và thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết đối với 18.169 tin, đạt 87%. Chất lượng công tác điều tra được đảm bảo, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai. Tổng số vụ thụ lý điều tra là 9.022 vụ/13.203 bị can; đã kết thúc điều tra 6.260 vụ/10.416 bị can, đạt 69,4%. Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp Thành phố thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với 10.202 vụ/14.988 bị can. Tòa án nhân dân 2 cấp Thành phố đã thụ lý 38.017 vụ án, đã giải quyết 34.157 vụ, đạt tỷ lệ 89,85%...
Nhiều vụ án hình sự, trọng điểm, nhạy cảm, bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được các cơ quan tư pháp Thành phố khẩn trương tập hợp, nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị chung và được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ...
Tại hội nghị, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo CCTP đã trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCTP của Thành phố. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố, khó khăn lớn nhất hiện nay là điều kiện phục vụ công tác tạm giam, tạm giữ và kho vật chứng chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ xác minh đơn tố giác, tin báo tội phạm tuy đạt chỉ tiêu nhưng vẫn còn chậm... Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thanh ủy Hoàng Trọng Quyết đề nghị cần chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế, rõ đơn vị và phân tích sâu nguyên nhân để đề ra giải pháp năm 2021.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, ngay sau đại hội đảng bộ các quận, huyện, thị ủy và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy đã quan tâm, kiện toàn Ban Chỉ đạo CCTP các cấp. Nhiệm vụ CCTP trong năm qua được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, từ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là nhiệm vụ bao trùm đến tham gia, đóng góp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp được đưa ra xét xử; việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện chặt chẽ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...
Nhấn mạnh chủ đề công tác năm 2021 của Thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các cơ quan tư pháp Thành phố tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp”, nhất là nguyên tắc lãnh đạo của cấp ủy đối với cơ quan tư pháp. Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố, nhất là trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, gắn với triển khai Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tai thành phố Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; tăng các tỷ lệ về điều tra, truy tố xét xử các loại án, hạn chế thấp nhất việc hủy, sửa các bản án hoặc bản án tuyên không rõ ràng; đồng thời phải chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp để đảm bảo không có sai phạm; tăng tỷ lệ thi hành án dân sự cả về số vụ, số tiền. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trụ sở cơ quan tư pháp đã được duyệt, trong đó chú trọng đến kho vật chứng…/.