Nhiều dự án chủ đầu tư "ôm" đất không triển khai. (Ảnh minh họa).
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo nội dung Chỉ thị số 13-CT/TU, để kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo sự chuyển biến cơ bản, tích cực trong công tác quản lý đất đai, quản lý và khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Cụ thể, đối với công tác quản lý đất đai, rà soát hệ thống tổ chức, bộ máy, cơ chế phối hợp, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cấp quản lý để củng cố, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, không để khoảng trống trong quản lý.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định hướng dẫn theo hướng đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý đất đai gắn với cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp xã và người được giao quản lý, cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ trước. Thực hiện tốt việc khoanh vùng đất đai, phân bổ đất đai tích hợp vào Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xác định nhu cầu sử dụng đất thực hiện công trình, dự án trên địa bàn bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khả thi, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ sau, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân tiếp cận thuận tiện.
Hà Nội tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành dự án xây dựng tổng thể Hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của thành phố Hà Nội làm nền tảng áp dụng công nghệ quản lý hiện đại, hoàn thành công tác kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Rà soát, triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất bảo đảm đúng pháp luật, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, không để xảy ra tiêu cực. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, hướng tới mặt bằng cơ chế, chính sách thống nhất, nhất quán. Khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô lớn, đi đôi với đẩy mạnh chuyển đổi vùng sản xuất kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nông nghiệp khác hiệu quả cao hơn.
Xử lý dứt điểm tình trạng các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Quản lý chặt chẽ quỹ đất công, đất nông nghiệp, đất rừng, đất ngoài bãi sông, quỹ đất đối ứng BT để thanh toán cho các dự án này thay đổi hình thức đầu tư; không để xảy ra tình trạng mua bán, bao chiếm, chuyển mục đích sử dụng, xây dựng công trình trái pháp luật. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành của trung ương và thành phố để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm công tác giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố trong thời gian sớm nhất.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra đã ban hành. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ngay tại cơ sở, nhất là các vụ việc tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư…
Đối với công tác quản lý, khai thác khoáng sản, khẩn trương rà soát các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với công tác đánh giá tác động môi trường; có biện pháp quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, ô nhiễm môi trường và phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố.
Sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất vật liệu mới thay thế cát, sỏi tự nhiên; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở nghiền, tái chế phế liệu, phế thải phát sinh trong hoạt động xây dựng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền, góp phần giảm áp lực trong việc khai thác tận thu khoáng sản, vật liệu tự nhiên.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các đối tượng khai thác trái phép, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng nêu trên.../.