Quang cảnh Hội nghị.

Chiều 31/10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố (TP) Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội đã chủ trì hội nghị giao ban triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo những tháng cuối năm 2022.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Thường trực; Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các đơn vị, địa phương của TP.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn, tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8-4-2022 của HĐND TP về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, TP dự kiến đầu tư 1.469 dự án với kinh phí 49.203 tỷ đồng.

Đến nay, ngân sách TP đã bố trí 11.423,472 tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch cho các dự án xây dựng giáo dục, y tế, tu bổ di tích. Trong đó, tính riêng từ khi ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND đến nay, TP đã bố trí 3.006,57 tỷ đồng (trong tổng số 11.423,472 tỷ đồng đã phân bổ) để thực hiện 252 dự án.

Đối với ngân sách cấp huyện bố trí đối ứng để thực hiện đầu tư các dự án là 15.877,7 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã bố trí vốn đối ứng các dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ gồm 677,075 tỷ đồng (đạt 11,2% tổng số vốn đăng ký tại kế hoạch). Một số huyện chưa bố trí vốn đối ứng cho các dự án (Thanh Oai, Ứng Hòa). Một số huyện, thị xã bố trí vốn với tỷ lệ rất thấp so với kế hoạch đã đăng ký (Sơn Tây 1,5%, Sóc Sơn 8,68%, Phúc Thọ 6,57%, Phú Xuyên 4,7%, Mê Linh 9,4%, Chương Mỹ 2,8%, Thường Tín 3,3%). Các huyện: Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai đã bố trí vốn đối ứng đạt trên 40% kế hoạch.

Về ngân sách các quận bố trí thực hiện các dự án là 17.066,3 tỷ đồng. Các quận tự cân đối nguồn lực triển khai các dự án thuộc 3 lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP và mục tiêu của kế hoạch. Đến nay, một số quận như Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên chưa báo cáo tình hình thực hiện.

Về tiến độ thực hiện các dự án cấp TP quản lý (có 9 dự án tu bổ di tích phân kỳ đầu tư sau năm 2025), đến nay đã giao các đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 147/236 dự án. Trong đó, 55 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, 29 dự án đã đầu tư xây dựng (trong đó đã hoàn thành 11 dự án, đang xây dựng 18 dự án).

Các dự án cấp huyện được ngân sách TP hỗ trợ, giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến hỗ trợ cấp huyện đầu tư 1.083 dự án/tổng số 1.233 dự án (phân kỳ đầu tư sau năm 2025 đối với 150 dự án tu bổ di tích). Đến nay, đã triển khai đầu tư xây dựng 464 dự án, đạt 42% kế hoạch (trong đó, đã hoàn thành 120 dự án, đang thi công 344 dự án); có 2 dự án vướng mắc (thuộc huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên do vướng quy hoạch); 427 dự án đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư (đã được duyệt chủ trương đầu tư, duyệt dự án, đang lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật); còn 228 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư. Cơ bản tất cả các dự án đủ điều kiện bố trí vốn đều đã được thành phố cân đối bố trí theo nhu cầu, nhưng một số huyện chưa bố trí vốn đối ứng đúng kế hoạch.

Thảo luận tại hội nghị, các đơn vị liên quan cho rằng, quá trình triển khai các dự án vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường tăng cao dẫn tới các nhà thầu thi công cầm chừng để chờ chính sách bù giá vật liệu xây dựng; chủ đầu tư chậm lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án dẫn đến ảnh hưởng tiến độ kế hoạch giao vốn và giải ngân vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định thủ tục xin ý kiến thẩm định đối với các dự án tu bổ di tích liên quan đến nhiều bộ, ngành, dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư. Một số dự án xây dựng trường học phải điều chỉnh quy hoạch hoặc chưa có quy hoạch phân khu được phê duyệt nên bị chậm tiến độ. Ngoài ra, do dân số của TP tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận tạo sức ép lớn cho các trường học, dẫn đến không đảm bảo yêu cầu quy mô trường, lớp để đạt chuẩn quốc gia, vì thế cần rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng, mở rộng trường học...

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cho rằng, thời gian tới các ngành, các cấp cần rà soát kỹ kế hoạch, bố trí vốn đối ứng cần xong trong năm 2022, đồng thời báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát về nội dung trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đề xuất với Ban Chỉ đạo và TP các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đối với lĩnh vực y tế, ngành Y tế bám sát các văn bản của Trung ương, có hướng dẫn kịp thời để triển khai.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.


Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp đầy đủ các ý kiến, từ đó rà soát lại toàn bộ kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022 và các năm tiếp theo. Đồng thời yêu cầu các quận, huyện, thị xã phải tập trung triển khai; các huyện chưa thành lập Ban Chỉ đạo thì phải thành lập ngay, đồng thời nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo với Ban Chỉ đạo TP

Nhấn mạnh công tác xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện là rất quan trọng, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu các cấp, ngành phải định lượng rõ các chỉ tiêu, cố gắng trong năm 2022 phải hoàn thành chủ trương đầu tư, bố trí nguồn lực cho 3 lĩnh vực này. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý cần chú trọng đến tiến độ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã, duy trì nền nếp, đôn đốc các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt chỉ tiêu; kịp thời biểu dương đơn vị làm tốt, nhắc nhở và đôn đốc các đơn vị còn chậm trong triển khai./.

Vũ Thủy