Thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội

 

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Đề án số 21-ĐA/TU thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc các ban đảng, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hànộimới.

Việc thí điểm thi tuyển nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó phòng tại các ban đảng, Văn phòng Thành ủy và Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hànộimới để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc các ban đảng, Văn phòng Thành ủy và Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Báo Hànộimới. Tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; tạo tính năng động trong công tác cán bộ.

Về nguyên tắc, Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ đạo việc tổ chức thí điểm; giao thủ trưởng cùng tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt việc thực hiện thí điểm và quyết định lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, chức danh thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý.

Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn. Chỉ thực hiện việc thi tuyển đối với trường hợp để bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn. Người tham gia dự tuyển phải bảo đảm về năng lực, trình độ chuyên môn và các điều kiện khác theo yêu cầu của chức danh tuyển chọn.

Khi tổ chức thi tuyển, phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn. Trường hợp chỉ có 1 người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi hoặc không có người đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi thì tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đề cử thêm người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia dự tuyển.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã quyết định danh sách người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia dự tuyển bảo đảm ít nhất có 2 người dự tuyển vào 1 chức danh tuyển chọn, nhưng đến ngày tổ chức thi chỉ có 1 người dự thi thì Hội đồng thi tuyển xem xét, quyết định việc tổ chức thi tuyển. Thời gian thực hiện, từ khi Đề án được ban hành đến hết ngày 31/12/2023 và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm.

Về phạm vi thực hiện, triển khai mỗi cơ quan thực hiện thi tuyển tối thiểu 1 chức danh (nếu có chức danh khuyết thiếu từ khi Đề án được ban hành đến hết ngày 31/12/2023). Lựa chọn Ban Tổ chức Thành ủy, Thành đoàn Hà Nội và Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong tổ chức điểm để rút kinh nghiệm trước khi các cơ quan, đơn vị khác tổ chức thi tuyển./.

NK