Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (tổ Tây Hồ) phát biểu tại kỳ họp.
 
* Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó
 
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta ghi nhận cộng đồng doanh nghiệp vượt khó trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, do “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp không tốt, có nhiều doanh nghiệp cũng “đuối sức” trước việc bị hạn chế sản xuất, xuất khẩu nên TP cần sâu sát, có các giải pháp phù hợp. Về lâu dài, nếu như doanh nghiệp phá sản thì những năm kế tiếp, TP sẽ khó có thể thu vượt mức như năm vừa rồi. Do đó cần có các giải pháp tiếp sức phù hợp ở thời gian trước mắt và lâu dài, để cộng đồng doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn. Cùng với đó, TP cần đưa ra các tiêu chí cụ thể để các doanh nghiệp đánh giá năng lực lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện; thành lập cơ quan giám sát việc cắt giảm các rào cản đối với sản xuất kinh doanh...

Cùng quan điểm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đại biểu Phạm Hải Hoa (tổ Phú Xuyên) nhận định, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, doanh nghiệp theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung của cả TP.

Về nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Hải Hoa đề nghị TP có chính sách tạo điều kiện, tạo đòn bẩy thu hút trí thức trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng trung tâm hoặc khu nông nghiệp công nghệ cao, để nơi đây là địa chỉ tin cậy của các hợp tác xã, hộ nông dân, khuyến khích nông dân, nhất là những người trẻ khởi nghiệp. Ngoài ra, TP cũng cần khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông, nâng cao chất lượng sống của người nông dân và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Đề cập đến giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (tổ Tây Hồ) cho rằng, Với TP Hà Nội, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ rất quan trọng, bởi nguồn vốn này của TP giai đoạn 2016-2020 chiếm tỷ trọng 10% vốn đầu tư công của cả nước. Qua số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho thấy trong 8 tháng năm 2020, ước tính TP giải ngân được khoảng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt trên 50% kế hoạch; trong số đó, có nhiều dự án đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp như: đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục; dự án đường sắt đô thị Hà Nội; dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá... Để tháo gỡ "nút thắt" trong vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND TP tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong thời gian tới. Đồng thời cần đánh giá việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội cho các quận huyện theo Quyết định 41/2016 của UBND TP.

Đại biểu Nguyễn Văn Nam (tổ Hai Bà Trưng) đề nghị cần xem xét vướng mắc trong việc mua sắm tập trung được tổ chức ở cấp TP, rút ngắn danh mục mua sắm tập trung do UBND TP quy định; việc phân cấp quản lý trong một số lĩnh vực theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 về ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP …

*Quyết tâm GRDP năm 2021 tăng 7,5%
 
 Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Hà Nội vẫn tăng trưởng; trong đó đạt và vượt 16/22 chỉ tiêu. Tăng trưởng năm 2020 của TP ước tăng 3,94%, cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước… Tuy nhiên trước tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP cần tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Muốn thế, TP Hà Nội cần tích cực tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ưu tiên cho cải tiến công nghệ và áp dụng mô hình sản xuất mới với năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện Nghị quyết số 97 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết số 115 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội….


Nhiều đại biểu dự kỳ họp HĐND TP Hà Nội kiến nghị cần có các giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, từng cá nhân đồng chí lãnh đạo, đại biểu không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tiếp tục có những đổi mới, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò cơ quan đại diện và thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của TP. Theo Nghị quyết, mục tiêu chung năm 2021 của TP Hà Nội là lấy lại đà tăng trưởng, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển mạnh văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã nội, nâng cao đời sống người dân. Tăng cường quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật...

Nghị quyết thông qua với với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Theo đó, trong năm 2021 Hà Nội đặt mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7,5%; GRDP/người khoảng 135 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã, hoàn thành mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...

Để đảm bảo GRDP giai đoạn 2021-2025 tăng 7,5-8%, Hà Nội dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động khoảng 3,1-3,2 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước khoảng 30-31%, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước khoảng 53-54% và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 15-17%. Cơ cấu sử dụng đất thay đổi theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp. Dự kiến đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 165 nghìn hecta, chiếm 49,1% tổng diện tích đất tự nhiên. TP cũng chuyển khoảng 1/3 diện tích đất trồng lúa (30 nghìn hecta) sang các hình thức sử dụng hiệu quả hơn; thực hiện đấu giá khoảng 2-3 nghìn hecta tạo nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung, hạ tầng đồng bộ các khu đô thị vệ tinh…/.
Bài và ảnh: Nguyễn Nam