Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương kết luận hội nghị 


Sáng 14/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 xác định, nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 là 89 triệu m2 sàn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 44 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu m2 sàn. Tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội đến năm 2030 khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó, đến năm 2025 là 1,25 triệu m2 sàn nhà ở.

Về nhà tái định cư, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 1,29 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.186 căn hộ. Giai đoạn 2026-2030, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.200 căn hộ.

Về nhu cầu phát triển nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2025 khoảng 19,42 triệu m2 sàn nhà ở; giai đoạn 2026-2030 khoảng 15,19 triệu m2 sàn nhà ở. Về nhu cầu phát triển nhà ở riêng lẻ khoảng 4,5 triệu m2 sàn nhà ở/năm, cả khu vực đô thị và nông thôn.

Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên phải được quy hoạch xây dựng theo xu hướng nhà ở xanh, thông minh, ứng dụng công nghệ số.

Đến năm 2030: Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn TP đạt 32m2 sàn/người, trong đó, khu vực đô thị đạt 33m2/người và khu vực nông thôn đạt 28m2/người.

Góp ý vào dự thảo, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng cần nêu cụ thể về dự báo dân số, nhà ở với định lượng cứng: Năm 2025 là 9,1 triệu và năm 2030 là 9,8 triệu. Từ đó, căn cứ định hướng sàn nhà ở bình quân để tính nhu cầu tổng thể phát triển nhà ở thành phố bởi số lượng dân, phân bố dân số, tỷ lệ đô thị hóa, mô hình đô thị tác động đến tính toán nhu cầu nhà ở và phân bố chỉ tiêu cho từng loại nhà ở.

Đồng thời cần phân tích khoa học hơn để định hướng cụ thể cho từng loại hình nhà ở và xem xét chính sách đặc thù là nhà ở cho cán bộ, viên chức của cả Trung ương và thành phố, nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong chương trình phát triển nhà ở. Đây cũng là kinh nghiệm từ nước ngoài khi thực hiện mô hình chùm đô thị.

Về giải pháp phát triển các loại hình nhà ở, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cần bổ sung chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp. Đồng thời, xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng để tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện và phải điều chỉnh như thực tế diễn ra vừa qua.

TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị cần phải đánh giá thực trạng của các loại nhà ở. Phân tích, đánh giá kết quả, nguyên nhân tồn tại trong việc phát triển nhà ở; đồng thời cần chú ý đến sự cấp thiết của vấn đề này. Trong đó cần chỉ rõ thực trạng và cơ cấu, chất lượng của nhà ở trên địa bàn thành phố; chỉ rõ những thành tựu và các mặt hạn chế trong đầu tư xây dựng và trong quản lý nhà ở.

PGS.TS. Bùi Thị An phát biểu tại hội nghị. 


PGS.TS. Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế cho rằng, trong Dự thảo đã nêu được 2 giải pháp chính về cơ chế và chính sách cũng như vốn, nhưng phải tính đến nhiều giải pháp dự phòng thì mới không bị ách tắc khi đi vào thực hiện. Mặt khác, dự thảo cần chú ý tới việc đảm bảo quỹ nhà cho các đối tượng là người lao động tự do từ các tỉnh về Hà Nội thuê trọ. Thành phố cần đánh giá hiệu quả nhà tái định cư, rõ tỷ lệ dân đồng thuận, tỷ lệ dân đến ở để quản lý hiệu quả quỹ nhà này….

Khẳng định chương trình phát triển nhà ở lớn sau chương trình an ninh lương thực, ông Lê Đức Bính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cần đánh giá hiện trạng các loại nhà ở hiện có của Hà Nội. Ngoài các nhà biệt thư, chung cư, nhà ở xã hội còn có các nhà đặc chủng nhà công vụ... vì vậy cần đánh giá hết mới có thể "vẽ" nên bức tranh nhà ở một cách ổn định nhất.

Tiếp thu 10 ý kiến đóng góp tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn lan Hương cảm ơn sự trách nhiệm, tâm huyết, thể hiện sự gắn bó với Thủ đô của các đại biểu. Đồng chí đề nghị Sở Xây dựng, các cơ quan chuyên môn làm rõ, bổ sung các thông tin cần thiết trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về điều tra xã hội học, rà soát tính toán các nhóm số liệu cụ thể như đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách xã hội, người già, người có công, người khuyết tật để đề xuất phân khúc nhà ở cho các đối tượng hợp lý.

Về những kiến nghị, đề xuất, đồng chí Nguyễn Lan Hương cho rằng phải tuân thủ Luật Thủ đô, Quy hoạch dân số, Quy hoạch đất đai và những vấn đề liên quan đến quản lý kiến trúc đô thị để tạo quy chuẩn về không gian môi trường điều kiện sống, hạ tầng kỹ thuật và điểm nhấn đô thị…Mục tiêu phải góp phần bình ổn thị trường bất động sản, người dân phải có điều kiện sống trong môi trường khá hơn. Mỗi Sở, ngành cần có đề án mang tính then chốt để thực hiện chương trình nhà ở. Ngoài ra, phải có sự phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong khu vực.../.

Diệu Thu