Đại biểu phát biểu ý kiến tại kỳ họp.

 

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 18, sáng 9/12, HĐND thành phố (TP) Hà Nội tiếp tục xem xét và đã thông qua Nghị quyết ban hành đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.

Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có 3 nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: Nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Nhóm nhiệm vụ và chính sách hỗ trợ theo cơ chế của TP Hà Nội.

Mục tiêu của đề án nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, góp phần cải thiện chỉ số PCI của thành phố; Phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm), giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố.

Cũng theo đề án, trong giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; Đóng góp trên 40% GRDP và trên 30% ngân sách thành phố.

Đề án hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: Công nghệ thông tin; Công nghiệp điện tử; Cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công.

Dự kiến kinh phí thực hiện đề án là hơn 832 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và hơn 125 tỷ đồng từ kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia. Đề án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025.

Đóng góp ý kiến tại hội trường, đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ đại biểu Cầu Giấy) đề xuất hỗ trợ theo "mô hình phễu" để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển có chiều sâu, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nữ làm chủ; Tăng cường hỗ trợ trong hoạt động tư vấn cho doanh nghiệp để mời các nhà tư vấn có uy tín tham gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp của thành phố.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (tổ đại biểu Đông Anh) nhấn mạnh, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiết thực, toàn diện và đầy đủ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hiện nay và lưu ý cần làm rõ cơ chế phối hợp để nhiều doanh nghiệp được tiếp cận với đề án.

UBND TP nên có đầu mối tuyên truyền đến các hiệp hội doanh nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Nhấn mạnh đến tính ưu việt của hoạt động tư vấn, đại biểu cho rằng TP cần có chính sách tư vấn chuyên sâu để giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đại biểu, để thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới đến đầu tư, rất cần hỗ trợ cho hệ sinh thái nhỏ và vừa để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng tại tại hội nghị, sau khi xem xét, thảo luận, 100% các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP và quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Dự kiến, kinh phí thực hiện đề án là hơn 832 tỷ đồng từ ngân sách TP và hơn 125 tỷ đồng từ kinh phí đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia.

Đề án được thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025./.

Tin, ảnh: Thanh Mai