Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đọc Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Ngày 6/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Đề án là có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá, phân hạng.
Đề án xác định mục tiêu, thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%; lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55-60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt trên 95%. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt từ 86-88%...
Song song với đó, Đề án đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100% và tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đạt 100%. Tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020).
Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội giao UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện đạt mục tiêu của thành phố theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".
* Chiều cùng ngày, các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã biểu thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 trên địa bàn. Theo đó, danh mục được thông qua gồm 2.839 công trình, dự án thu hồi đất năm 2024 với diện tích 12.722,55ha. Danh mục 3 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2024 với diện tích là 3,844ha.
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thành phố thông qua, dự án sử dụng vốn ngân sách đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2024 của HĐND thành phố và cơ chế thanh toán linh hoạt trong tổng nguồn vốn giao theo dự toán năm 2024 được duyệt. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2024.
* Cũng trong ngày 6/12, các đại biểu đã biểu quyết thông qua việc hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ… đang thường trú trên địa bàn thành phố không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Thời gian áp dụng từ 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025, số kinh phí dự kiến là gần 186 tỷ đồng.
Theo UBND thành phố Hà Nội, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng trên từ ngân sách thành phố là đúng thẩm quyền, phù hợp với chủ trương của thành phố là: “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước một bước so với phát triển kinh tế”. Đồng thời, việc hỗ trợ trên còn giúp giảm áp lực tài chính cho một số nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, qua thống kê, tổng số người cao tuổi trên địa bàn là 1.130.762 người (từ 60 tuổi trở lên), trong đó có 940.121 người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (từ 80 tuổi trở lên, theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ) với số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ trung bình khoảng 756,4 tỷ đồng/năm; còn 190.641 người cao tuổi chưa có thẻ bảo hiểm y tế (từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, trong đó nhóm tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi còn 61.559 người)./.