Hà Nội tích cực biểu dương trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi. 


Nhiều hoạt động nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai

Những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số và phát triển. Hiện Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) chuyển hướng sang Dân số và phát triển.

Theo đó, KHHGĐ không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em. Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. 9 tháng đầu năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Duy Hưng, mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn Thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, Thành phố đã triển khai nhiều mô hình tại các địa bàn trên toàn Thành phố. Nhiều hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...

Hằng năm, Thành phố tổ chức hàng trăm buổi truyền thông kiến thức sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là trẻ em gái vị thành niên, thanh niên, tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các đoàn viên thanh niên. Truyền thông về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cho học sinh các trường THCS, PTTH...

Đặc biệt, hằng năm, Thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày quốc tế trẻ em gái đến 30 quận/huyện/thị xã.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi nhưng công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức sâu sắc công tác dân số có vai trò quan trọng trong đời sống an sinh xã hội, yêu cầu đặt ra là các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội… tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương chính sách của đảng, nhà nước về các luật như: Luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình, các đề án, kế hoạch của Trung ương, thành phố về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chính sách hỗ trợ nâng cao vị thế của trẻ em gái và phụ nữ về bình đẳng giới…

Do đó, mục tiêu yêu cầu đặt ra là Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng này, đồng thời các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục và có các chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái.

Nâng cao nhận thức về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái

Mất cân bằng giới tính khi sinh có những tác động tiêu cực đến dân số, hôn nhân và gia đình, trật tự trị an xã hội. Vì thế Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay (11/10/2023) lấy chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2023 có chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thạch Thất...

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10 tại các trường học, truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh… Cùng với đó, các hoạt động chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn cũng được triển khai rộng khắp.

Các quận, huyện cũng triển khai hàng loạt các hoạt động thiết thực, cụ thể như: Quận Hai Bà Trưng và phường tổ chức các đợt truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng như: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, triển khai các mô hình điểm như thăm hỏi và tặng hoa cho các gia đình sinh con lần 2 là một bề gái, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình, hội thi, giao lưu văn nghệ....  

Đồng thời, quận Hai Bà Trưng cũng lồng ghép tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn. Cùng với đó, công tác kiểm tra, ký cam kết với các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập cung cấp dịch vụ sản khoa, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cũng được chú trọng, tổ chức thực hiện thường xuyên.

Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, quận Thanh Xuân đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số; các hoạt động nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước khi hôn nhân tại phường Khương Trung, Khương Mai, Thượng Đình; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại phường Khương Đình, Kim Giang...

Quận Thanh Xuân còn tổ chức các buổi truyền thông về kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới và giới tính, bình đẳng giới, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, giáo dục kỹ năng sống... cho học sinh các trường THCS, THPT. Quận tổ chức biểu dương trẻ em gái tiêu biểu, chăm ngoan, học giỏi, hiếu thuận trong các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, tổ chức các điểm tuyên truyền, cổ động; đồng thời phát tờ rơi tuyên truyền đến hộ gia đình về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh.../.

Nam Khánh