Quang cảnh Hội nghị. 


Ngày 14/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 98 điều, được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách, bao gồm: Nhóm các quy định về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) có 8 chương, 72 điều, so với luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Đảm bảo tính thống nhất không chồng chéo 

Góp ý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Trưởng phòng Đấu thầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Hữu Lợi cho rằng: Luật Đấu thầu cần phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan, nhất là Luật Đất Đai, Luật Xây dựng; đảm bảo tính thống nhất không chồng chéo đối với những nội dung quy định được đề cập trong các Luật. Cụ thể, đối với nội dung đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, cần cập nhật tinh thần sửa đổi của Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, ban hành năm 2023.

Cho ý kiến về quy định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Trưởng phòng Đấu thầu Nguyễn Hữu Lợi cho rằng, trong tình huống cấp bách thì giao thầu là phương án hiệu quả, trong đó sẽ giao thầu luôn cho các nhà thầu, nhà đầu tư có uy tín, không phải thực hiện các quy trình hồ sơ mất nhiều thời gian.

Các đại biểu còn đề nghị sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Dự thảo Luật theo hướng trao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương để chủ động quyết định trong tình huống cấp bách, khẩn cấp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ để bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, mục tiêu, quan điểm sửa đổi luật là nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, nhưng cơ quan soạn thảo lại mở rộng phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu, điều này cần rà soát, làm rõ lý do của những trường hợp bổ sung được áp dụng hình thức chỉ định thầu. Bởi theo nguyên tắc nên hạn chế chỉ định thầu, chỉ trong trường hợp thực sự cấp thiết và có lý do chính đáng mới tổ chức chỉ định thầu.

Từ thực tế của ngành y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, tại mục 24 phụ lục danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), Dự thảo ghi: "Đề xuất điều chỉnh tên gọi dịch vụ thành “Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT” (áp dụng với cả cơ sở tư nhân khi cung cấp dịch vụ thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT); Bộ Y tế quy định giá tối đa, UBND cấp tỉnh quy định giá cụ thể”. Với quy định như này, đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại mỗi địa phương có thể sẽ có các miền giá khác nhau. Do đó, người có thẻ BHYT khi sử dụng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh BHYT tại các địa phương khác nhau sẽ phải chi trả mức chi phí khác nhau, trong khi đó các dịch vụ kỹ thuật về chuyên môn là không khác nhau. Để đảm bảo tính đồng bộ, công bằng với với người có thẻ BHYT, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng: Bộ Y tế ban hành giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.

Ngoài ra, để thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, Sở Y tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định đưa danh mục trang thiết bị, vật tư y tế vào danh mục Nhà nước quản lý giá.

Nhà nước giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ luật pháp về giá


Đề cập đến quy định lập Quỹ Bình ổn giá trong Luật Giá (sửa đổi), ông Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, nên từng bước bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá, đặc biệt là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Về thực chất đây là biện pháp bình ổn giá có thời hạn và nhà nước còn có sự can thiệp bằng biện pháp hành chính vào hoạt động kinh tế, không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề giá nên để thị trường quyết định, Nhà nước giữ vai trò quản lý và giám sát việc tuân thủ luật pháp về giá.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đóng góp ý kiến tại Hội nghị. 


Về quy định công khai thông tin trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng: Đối với các mặt hàng nông sản thì không nên bắt buộc niêm yết giá bởi giá cả biến động theo thị trường, phụ thuộc tình hình giao thông, thời tiết. Nên quy định niêm yết giá, công khai giá đối với các mặt hàng sản xuất có tính định kỳ như thuốc, nước mắm, dầu ăn, gia vị... để người dân dễ dàng nắm được thông tin.

Một số đại biểu cho rằng, Luật cần sửa đổi để khắc phục tình trạng việc quy định về điều kiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, hành nghề thẩm định giá tương đối mở như hiện nay dẫn đến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013-2020. Mặt khác cũng dẫn đến việc một số doanh nghiệp thẩm định giá, cũng như các thẩm định viên hành nghề thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dẫn đến những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ...

Tại Hội nghị, các đại biểu còn tập trung đóng góp toàn diện từ ngữ, khái niệm, nội hàm... của các điều luật để không hiểu nhiều nghĩa. Trong đó, quan tâm đến tăng cường phân cấp, phân quyền, phân rõ trách nhiệm, gắn với đầu mối chịu trách nhiệm kể cả việc quyết định giá, việc gắn với phương thức, hợp đồng; lộ trình thực hiện đảm bảo không xung đột giữa các Luật và các điều khoản trong một Luật...

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận, đóng góp để truyền tải tới Quốc hội, các cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng Luật./.

 

Nhóm PV