Quang cảnh Hội nghị. 


Sáng 31/3, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội chủ trì giao ban quý I/2023 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về một số nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trụ sở Thành ủy với tổng số 564 điểm cầu và 8.721 đại biểu từ thành phố xuống các phường, xã, thị trấn.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Hội nghị tập trung thảo luận, đánh giá về 3 nội dung: Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Thành phố; Đẩy mạnh công tác quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn Thành phố; Công tác quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên trên địa bàn Thành phố.

Số vụ vi phạm về trật tự đô thị bị xử lý tăng 87,6%

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, ngày 15/02/2023, Ban Chỉ đạo 197 Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về “Tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023”, trong đó tổ chức thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức chấp hành các quy định, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (từ ngày 15/2/2023 đến 28/2/2023); Giai đoạn 2: Ra quân Tổng kiểm tra, xử lý vi phạm (từ 01/3/2023 đến 31/3/2023); Giai đoạn 3: Giai đoạn kiểm tra, duy trì (từ 01/4/2023 đến 01/11/2023).

Tính đến hết ngày 25/3/2023, đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông (tăng 5.553 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 50,5 tỷ đồng;  kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị (tăng 3.498 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 9,2 tỷ đồng

Đáng chú ý, sau gần 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông tăng 29,6%, xử lý vi phạm về trật tự đô thị tăng 87,6% so với cùng thời gian liền kề), tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố, nhất là tại 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước được giảm dần…

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện tuyên truyền tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo yêu cầu, còn xảy ra tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị. Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm. Tình trạng các bãi trông giữ phương tiện không phép, thu phí sai quy định trên các khu đất trống tại các dự án còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây phức tạp về an ninh trật tự...

Các đồng chí chủ trì Hội nghị.


Trong thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn Thành phố, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố.

Đồng thời, nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên hè phố như: bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn; các tuyến không thuộc tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm phục vụ công tác điều tiết, phân luồng giao thông…

Đối với Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân. Nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các Dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn để đảm bảo công tác trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Tổ chức rà soát, báo cáo về tất cả các bến, bãi, điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn (có phép, không phép) trên địa bàn để quản lý, kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết liệt giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm

Báo cáo về công tác quản lý, đầu tư chợ trên địa bàn Thành phố do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trình bày cho biết, theo Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn Thành phố có 595 chợ, trong đó có 24 chợ hạng 1 (bao gồm 5 chợ đầu mối); 79 chợ hạng 2; 478 chợ hạng 3. Hiện nay, toàn Thành phố đang có 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa.

Về cơ sở hạ tầng, có 89 chợ kiên cố, 248 chợ bán kiên cố, 116 chợ lều lán tạm. Chia theo khu vực, có 192 chợ thành thị, 261 chợ nông thôn. Trong tổng số 578 xã, phường, thị trấn, có 363 xã, phường, thị trấn đã có chợ; còn lại 215 xã, phường, thị trấn chưa có chợ. Thành phố cũng có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối Minh Khai; chợ đầu mối phía Nam) và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.

Toàn Thành phố đã phân hạng được 421/453 chợ; chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ được 171/453 chợ; phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng được 381 chợ. Công tác quản lý về phòng cháy chữa cháy được tăng cường. Toàn Thành phố có 198 chợ thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy; 256 chợ còn lại do đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm tự đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tại hội nghị. 


Thành phố cũng ban hành và triển khai nhiều Kế hoạch, Đề án về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền tới các nhóm đối tượng là cán bộ quản lý từ tuyến Thành phố đến tuyến huyện, tuyến xã, chủ doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong chợ, người tiêu dùng thực phẩm về các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn TP Hà Nội.

Đồng thời, thực hiện khảo sát thực trạng hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ; cấp biển nhận diện cho 1.112 cửa hàng kinh doanh đáp ứng tiêu chí của Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025”.

Về công tác đầu tư xây mới, cải tạo và sửa chữa các chợ, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó sẽ tiến hành xây mới, xây dựng lại 141 chợ và nâng cấp, cải tạo 168 chợ. Trong năm 2023, UBND TP đã ban hành Kế hoạch dự kiến xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ.

Đến nay, có 6 chợ đã triển khai thi công (gồm 3 chợ tại quận Nam Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Mỹ Đức, 2 chợ tại huyện Thạch Thất); 4 chợ đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, dự kiến được thời gian khởi công (gồm 3 chợ tại quận Bắc Từ Liêm, 1 chợ tại huyện Thanh Oai). Các chợ còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư.

Bên cạnh đó, UBND TP chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các tụ điểm kinh doanh tự phát gây bức xúc dư luận (hiện nay, trên địa bàn Thành phố còn tồn tại 40 chợ cóc cần phải giải tỏa trong thời gian tới). Thành phố đã phân cấp mạnh mẽ, giao toàn quyền cho các quận, huyện, thị xã triển khai công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn…

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn chưa được quan tâm một cách đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch Thành phố ban hành giai đoạn 2021-2025 và hằng năm chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Một số chợ trên địa bàn (nhất là khu vực chợ ngoại thành) các hạng mục như hệ thống điện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, kết cấu công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; một số địa bàn của các địa phương chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, dẫn đến tình trạng phát sinh chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông...

Nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm, UBND TP tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND Thành phố về Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2023 của UBND TP và các Chương trình số 03-CTr/TU, số 04-CTr/TU của Thành ủy.

Các sở, ngành và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án tính giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ đảm bảo đánh giá đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn. Hoàn thành công tác khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội làm căn cứ triển khai công tác kêu gọi đầu tư. Cùng với đó, triển khai quyết liệt công tác giải tỏa, chống tái chiếm các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Tập trung nguồn lực để cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 63 công viên, vườn hoa phục vụ công ích do Thành phố và UBND cấp huyện quản lý theo phân cấp. Ngoài ra còn có các công viên, vườn hoa do các chủ đầu tư dự án tại các khu đô thị tự quản lý.

Hà Nội xác định, cải tạo nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận. Hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025: Công viên Chu Văn An, Công viên CV1, Công viên Khu Đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông. Đôn đốc triển khai 03 công viên: Công viên Thiên Văn Học, Công viên Bắc Nam Mai Dịch, Công viên Hữu Nghị.

Về tiến độ triển khai đầu tư xây dựng công viên, đối với 5 công viên do Thành phố quản lý, có 4 công viên nằm trong Kế hoạch cải tạo nâng cấp (Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình), riêng Công viên Lê Nin đã được UBND quận Ba Đình đầu tư, nâng cấp đồng bộ từ năm 2017 và hiện chỉ duy tu sửa chữa nhỏ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày báo cáo tại hội nghị.


Đối với các công viên do quận, huyện, thị xã quản lý, cuối năm 2022, UBND quận Tây Hồ đã cải tạo được 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa Hồ Trúc Bạch. UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng Vườn hoa Diên Hồng. UBND quận Long Biên đã khởi công cải tạo Vườn hoa Ngọc Lâm, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023. Ngoài ra, UBND các quận đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, dự kiến trong năm 2023 sẽ thực hiện cải tạo 11 vườn hoa, 1 công viên.

UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công viên theo đúng kế hoạch 9 công viên xây mới. Đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên theo kế hoạch để phục vụ Nhân dân theo hướng tạo công viên mở phù hợp với hiện trạng công viên và khu vực liền kề. Đối với các dự án xã hội hóa, Thành phố chỉ đạo đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành việc đầu tư các công viên, vườn hoa theo dự án đầu tư đã được phê duyệt. Trong trường hợp, nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, sẽ thực hiện việc thu hồi giấy phép đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển đầu tư công.

Thành phố cũng tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Với những công viên công cộng, công viên mở phục vụ Nhân dân sẽ được triển khai theo hướng giảm mật độ xây dựng (chỉ đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ công viên) tăng diện tích cây xanh (bổ sung những khu vực trồng cây xanh tập trung…), qua đó giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu duy trì./.

Nhóm PV