Ước tính, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 7.000 tấn/ngày đêm


7.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt một ngày

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 7.000 tấn/ngày đêm; được tiếp nhận, xử lý hằng ngày khoảng 6.500 tấn, tập trung tại hai khu xử lý chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khoảng 5.000 - 5.300 tấn/ngày đêm; tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây khoảng 1.200 - 1.300 tấn/ngày đêm.

Về chất thải rắn công nghiệp, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 863,2 tấn/ngày đêm. Trong đó, rác không nguy hại khoảng 646 tấn/ngày, chất thải nguy hại 217,2 tấn/ngày đêm.

Tỷ lệ thu gom rác thải rắn công nghiệp thông thường, không nguy hại đạt 85-90% tương đương 549-581 tấn/ngày và xử lý khoảng 382-405 tấn/ngày đêm. Trong đó, chất thải có thể tái chế, tái sử dụng ngay tại nguồn; chất thải không thể tái chế, tái sử dụng được thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.

Tỷ lệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoảng 99% (tương đương với 215 tấn/ngày đêm), khối lượng rất ít còn lại được lưu giữ tạm thời tại cơ sở.

Về chất thải rắn y tế, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 27.522kg/ngày đêm. Trong đó, chất thải y tế nguy hại khoảng 8.448 kg/ngày đêm (chiếm 30%), chất thải rắn thông thường khoảng 19.074 kg/ngày đêm. Việc xử lý chất thải y tế được thực hiện chủ yếu tại các cơ sở y tế và một phần tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn.

Theo dự báo trong Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tới năm 2020, khối lượng phát sinh phân bùn bể phốt trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 1.500 tấn/ngày đêm; khối lượng bùn thải thoát nước phát sinh là khoảng 260 tấn/ngày đêm.

Cũng theo báo cáo, hiện tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn của TP Hà Nội đạt xấp xỉ 100% ở khu vực đô thị và đạt 90% ở khu vực nông thôn.

Quá tải nếu không xây thêm nhà máy

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt. Nhưng hiện tại, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chỉ có ba khu xử lý chất thải sinh hoạt đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn; Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Khu xử lý chất thải Cầu Diễn, Nam Từ Liêm.

Hai khu xử lý chất thải đã và đang tạm dừng hoạt động là Khu xử lý chất thải Kiêu Kỵ, Gia Lâm, đã đầy và không thực hiện tiếp nhận rác vào tháng 7/2018; Khu xử lý chất thải Phương Đình, Đan Phượng được đưa vào vận hành từ năm 2014 tuy nhiên hiện nay đang phải tạm dừng đề cải tạo.

Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội chủ yếu được xử lý tại hai khu xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, theo quy hoạch công suất đến năm 2020 khoảng 4.500 tấn/ngày.

Với thực trạng đó, Hà Nội đang phụ thuộc quá nhiều vào bãi rác Nam Sơn, nơi thu nhận gần ¾ lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố.

Nỗ lực giải quyết các vấn đề dân sinh

Để xây dựng một Nhà máy xử lý rác thải, vấn đề giải phóng mặt bằng, di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của bãi rác bán kính 500 mét. Liên quan tới các vấn đề trên, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, thành phố Hà Nội giao các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn thực hiện các bước theo quy định để đền bù, hỗ trợ người dân. Các cấp chính quyền huyện đã thực hiện niêm yết công khai phương án dự thảo đền bù giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng và cơ bản người dân nhất trí với phương án đền bù trên cơ sở căn cứ vào các văn bản hiện hành của Nhà nước về đền bù giải phóng mặt bằng.

 

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.


Sau khi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng khỏi khu vực bán kính 500 mét, người dân có thể mua đất ở khu tái định cư hoặc tìm chỗ ở mới. Theo đó, xã Nam Sơn sẽ được bố trí đất tái định cư ở 3 khu vực.

Cụ thể, thôn Đông Hạ sẽ tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, cách bãi rác khoảng 1.000 mét; người dân thôn Xuân Thịnh chuyển đến thôn Thanh Hà, cách bãi rác 7.000 mét; người dân thôn Xuân Bảng đến ở thôn Hoa Sơn, cách bãi rác 4.000 mét.

Đối với xã Bắc Sơn sẽ được bố trí tái định cư cách xa bãi rác khoảng 3.000 mét, tại địa điểm thôn Nam Lý cũng ở xã này. Đối các hộ dân của xã Hồng Kỳ bị ảnh hưởng từ bãi rác cũng được bố trí tái định cư cách bãi rác khoảng 1.300 mét.

Theo thống kê, vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét của bãi rác Nam Sơn có 1.100 hộ dân của 3 xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn bị di dời giải phóng mặt bằng với số tiền đền bù dự kiến khoảng 3.400 tỷ đồng.

Trong đó, Nam Sơn có 186 hộ có đất nông nghiệp, tổng diện tích hơn 28,6ha với số tiền bồi thường trên 182 tỷ đồng; riêng thôn Đông Hạ có diện tích đất phải bàn giao mặt bằng lớn nhất (trên 14ha) với số tiền bồi thường hơn 90 tỷ đồng.

Trong quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được Thành phố Hà Nội nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu các đơn vị của TP Hà Nội phải tập trung giải quyết ngay các kiến nghị chính đáng của người dân với nguyên tắc “đảm bảo tối đa” của người dân trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Tập trung thực hiện các văn bản chỉ đạo của TP liên quan đến bãi rác Nam Sơn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh có văn bản yêu cầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện thuộc thành phố tập trung khắc phục các bất cập, hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, vận hành; bảo đảm an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (bãi rác Nam Sơn); trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn hai và phạm vi 500m vùng ảnh của bãi rác.

Về xử lý, giải quyết, ngăn chặn việc một số công dân chặn xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn tập trung giải quyết vấn đề với phương châm "4 tại chỗ"; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, giải thích cho người dân biết việc chặn xe vận chuyển rác, ngăn cản việc xử lý rác làm ảnh hưởng đến môi trường toàn thành phố là vi phạm pháp luật. Công an thành phố chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn, các quận, huyện và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho việc vận hành liên tục của bãi rác Nam Sơn và các khu xử lý rác khác, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Nhóm PV