Ổ bọ gậy vẫn phát sinh chủ yếu ở những chậu hoa, cây cảnh, các bình hoa, lọ hoa và dụng cụ có chứa nước ở chính trong mỗi ngôi nhà.
Cụ thể, trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong đầu tiên trong năm nay là nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn. Ngày 23/8, bệnh nhân sốt 38,5 độ, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.
Sau 3 ngày điều trị tại phòng khám tư hết sốt, đến tối ngày 26/8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen, vào Bệnh viện Quân y 103 điều trị.
Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, được chẩn đoán sốc mất máu do sốt xuất huyết Dengue, xuất huyết nặng, suy đa tạng. Bệnh nhân được điều trị tích cực, lọc máu liên tục, rửa dạ dày cấp cứu, thở máy, tử vong ngày 29/8.
Trường hợp thứ 2 là nữ bệnh nhân 45 tuổi ở quận Hoàn Kiếm. Nữ bệnh nhân phát hiện sốt xuất huyết và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, sau đó 1 ngày chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Trong đêm 29/8, nữ bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nhịp thở tăng. Đến sáng 30/8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nặng lên rõ hơn, được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, do bệnh nặng, bệnh nhân đã tử vong đêm 30/8.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, Thành phố ghi nhận 66 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã Đông Anh (10), Phúc Thọ (8), Bắc Từ Liêm (7), Nam Từ Liêm (6), Cầu Giấy (4), Hà Đông, Quốc Oai, Đống Đa, Ba Đình (3), Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng (2), Gia Lâm, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Đan Phượng (1).
Cộng dồn năm 2023, toàn Thành phố đã có 6.693 ca mắc; tăng so với cùng kỳ năm 2022 là 1.635 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 541/579 xã, phường, thị trấn.
Theo Bộ Y tế, Hà Nội là một trong số các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và hỗ trợ khi có các dấu hiệu của sốt xuất huyết. Các triệu chứng mắc sốt xuất huyết thường gặp bao gồm sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, đau hai hốc mắt, mệt mỏi và khó chịu.
Theo CDC Hà Nội, hiện nay, biện pháp phòng, chống dịch vẫn là diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi. Với biện pháp diệt bọ gậy, một là áp dụng cách thức cơ học, loại bỏ các ổ bọ gậy ở tất cả các dụng cụ có chứa nước như: lật úp, cất đi hoặc loại bỏ những vật dụng có nước mưa và nước đọng lại. Hai là phương pháp sinh học như thả cá vào bể chứa nước hay các dụng cụ chứa nước trong gia đình. Đây là cách làm rất hiệu quả.
Đối với khu vực ngoại thành - nơi hay sử dụng bể chứa nước, biện pháp thả cá rất quan trọng. Còn đối với khu vực nội thành, ổ bọ gậy vẫn phát sinh chủ yếu ở những chậu hoa, cây cảnh, các bình hoa, lọ hoa và dụng cụ có chứa nước ở chính trong mỗi ngôi nhà. Chính vì vậy, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần có hướng dẫn phòng, chống dịch cụ thể đối với các xã, phường, thị trấn.
Theo các chuyên gia y tế, diệt bọ gậy mới chính là biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, còn phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp cứu.
Chính vì vậy, các đơn vị, địa phương phải tuyên truyền, vận động làm sao người dân tự giác diệt bọ gậy mới hạn chế được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Hằng ngày, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình chỉ cần dành 3-5 phút cho việc diệt bọ gậy trong và xung quanh gia đình nhà mình.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm các đề nghị của đoàn y tế, chính quyền địa phương trong khi đi dập dịch, cụ thể: mở cửa cho cán bộ y tế, tổ trưởng, dân phòng, cộng tác viên y tế vào hướng dẫn phát hiện và diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi./.