Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Anh Quân trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội tại Kỳ họp.

Với 100% đại biểu có mặt đã tán thành, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XVI diễn ra sáng 10/3 đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố. 

Theo nghị quyết, phê duyệt điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2023 cấp thành phố, trong đó, điều chỉnh giảm là 4.240 tỷ đồng nguồn vốn bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (trong đó nguồn ngân sách trung ương là hơn 1.999,9 tỷ đồng).

HĐND TP cũng đã quyết nghị điều chỉnh tăng 4.240 tỷ đồng để bố trí vốn cho các nhiệm vụ, dự án, trong đó, riêng với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí 3.840 tỷ đồng, gồm: Dự án thành phần 1.1 là 3.290 tỷ đồng (trong đó, nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.999,9 tỷ đồng) và Dự án thành phần 2.1 là 550 tỷ đồng; tăng 100 tỷ đồng cho vốn chuẩn bị đầu tư thanh toán theo cơ chế linh hoạt; tăng 200 tỷ đồng cho vốn thanh quyết toán dự án hoàn thành thanh toán theo cơ chế linh hoạt; bố trí 100 tỷ đồng thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án, thanh toán theo cơ chế linh hoạt.

Nghị quyết HĐND TP Hà Nội cũng thống nhất cho phép thực hiện 2 cơ chế thanh toán linh hoạt giai đoạn 2023-2025 đối với vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và vốn thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án.

Cụ thể, về cơ chế thanh toán linh hoạt chuẩn bị đầu tư cho các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP): Đối tượng áp dụng là các dự án đầu tư theo hình thức PPP thuộc danh mục dự án đầu tư theo hình thức PPP được HĐND thành phố thông qua và được UBND thành phố quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Điều kiện để được thực hiện cơ chế này là các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và có dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

HĐND TP cũng quy định rõ thanh toán đối với các lĩnh vực trên gồm: Thực hiện thanh toán linh hoạt chi phí công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức PPP trong tổng nguồn vốn giao cho công tác chuẩn bị đầu tư theo Kế hoạch đầu tư công hằng năm trong giai đoạn 2023-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phụ thuộc vào mức vốn giao của từng dự án và đảm bảo điều kiện theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nội dung chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức PPP theo quy định của Nhà nước.

Về cơ chế thanh toán linh hoạt thực hiện lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án là các dự án đầu tư công cấp thành phố đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định, thuộc danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2022-2025 được HĐND TP thông qua, chưa được bố trí kế hoạch vốn hàng năm và bố trí bổ sung nếu nhu cầu vốn vượt kế hoạch vốn đã bố trí, cần bố trí kế hoạch vốn đủ để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án.

Quy định thanh toán đối với dự án này là thực hiện thanh toán linh hoạt chi phí lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án trong Kế hoạch đầu tư công hằng năm trong giai đoạn 2023-2025 theo tiến độ và dự toán được phê duyệt. Kinh phí lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của dự án phải trong tổng mức đầu tư của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Tại kỳ họp giữa và cuối năm 2023, 2024, 2025, UBND TP trình HĐND thành phố phê chuẩn kế hoạch vốn hằng năm chính thức cho từng dự án đã thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt nêu trên, để chuyển từ tạm ứng sang cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo đúng quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 11-11-2021 của Chính phủ.

Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 về dự toán ngân sách địa phương năm 2023, sau đó UBND TP đã giao Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2023 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) tại Quyết định số 4969/QĐ-UBND ngày 10-12-2022.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bấm nút thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp.

 

Theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, Quyết định số 4969/QĐ-UBND, thành phố đã giao kế hoạch vốn giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt đối với công tác chuẩn bị đầu tư là 50 tỷ đồng, nhiệm vụ quy hoạch là 200 tỷ đồng, bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là 4.422 tỷ đồng và thanh quyết toán dự án hoàn thành là 100 tỷ đồng. Đến nay, 100% kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư và 80% kế hoạch vốn quyết toán dự án hoàn thành giao đầu năm thực hiện cơ chế thanh toán linh hoạt đã thông báo kế hoạch vốn, giải ngân cho từng dự án. Hiện nay, các đơn vị đề xuất bổ sung nhu cầu vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán và đề xuất bổ sung kế hoạch vốn để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.

Tổng số dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư 21 dự án (2 dự án nhóm A, 13 dự án nhóm B, 6 dự án nhóm C) với tổng mức đầu tư dự kiến trên 14.604 tỷ đồng của 6 lĩnh vực. Trong đó có 20 dự án (2 dự án nhóm A, 13 dự án nhóm B, 5 dự án nhóm C) sử dụng ngân sách cấp Thành phố với tổng mức đầu tư là trên 14.535 tỷ đồng với nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 là trên 7.363 tỷ đồng.

Một dự án nhóm C sử dụng ngân sách quận Nam Từ Liêm với tổng mức đầu tư là 69,3 tỷ đồng, đã được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của cấp huyện với số vốn kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025 là 69,3 tỷ đồng.

Về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng số dự án trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là trên 1.274 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đã được duyệt là 608,7 tỷ đồng, nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là 115 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố đã được HĐND TP phê duyệt lần đầu tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 và cập nhật, điều chỉnh tại các Nghị quyết số: 28/NQ-HĐND ngày 10/12/2021; 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 về kế hoạch đầu tư 03 lĩnh vực: 07/NQ-HĐND ngày 20/5/2022; 21/NQ-HĐND ngày 12/9/2022; 37/NQ- HĐND ngày 10/12/2022. Đến nay, tổng nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn là: 364.678,301 tỷ đồng, trong đó cấp huyện là 85.837 tỷ đồng, cấp Thành phố là 278.841,301 tỷ đồng.

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Thành phố đề ra, UBND TP đang chỉ đạo rà soát nguồn lực, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn để kịp thời có các giải pháp thúc đẩy triển khai và đảm bảo đủ nguồn lực đầu tư cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực giao thông, dự kiến nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là trên 148.110 tỷ đồng, gồm 132.810,555 tỷ đồng đã phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án; 15.300 tỷ đồng đã dự nguồn chi tiết cho 4 dự án, trong đó dự nguồn 1.700 tỷ đồng cho dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng.

Đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 dự án (tổng mức đầu tư dự kiến 12.363,044 tỷ đồng), nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 dự kiến 6.110 tỷ đồng.

Trong đó, 1 dự án nhóm A (đầu tư xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn từ Nguyễn Trãi (Quốc lộ 6) đến Đầm Hồng) thuộc danh mục các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn huy động 30.000 tỷ đồng và được dự nguồn chi tiết 1.700 tỷ đồng tại Báo cáo số 404/BC-UBND ngày 18/11/2022 của UBND TP và HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022. Đảm bảo trình HĐND tại kỳ họp tháng 03/2023.

1 dự án nhóm A (Xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu TMĐT dự kiến là 8.298 tỷ đồng). Đây là dự án giao thông quan trọng, đầu tư để khớp nối, thông tuyến Vành đai 3,5 và nằm trong danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án tại Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021. Nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 là 3.750 tỷ đồng.

1 dự án nhóm B (Xây dựng đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc Lộ 32 – TMĐT dự kiến là 1.495 tỷ đồng). Đây là dự án giao thông quan trọng, đầu tư để khớp nối, thông tuyến Vành đai 3,5 và nằm trong danh mục các dự án khởi công mới cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án tại Nghị quyết 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021. Nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 là 660 tỷ đồng.

Kế hoạch vốn trung hạn của lĩnh vực giao thông không đảm bảo khả năng cân đối cho 2 dự án trên. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022, HĐND TP đã quyết nghị dự nguồn để triển khai 08 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư là 40.456,8 tỷ đồng (gồm: (1) Xây dựng trường Đại học Thủ Đô; (2) Hệ thống thu gom nước (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; (3) Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; (4) Cải tạo, nâng cấp đường 70: đoạn Hà Đông – Văn Điển; (5) Cầu Tử Liên và đường từ cầu Tử Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; (6) Cầu Trần Hưng Đạo; (7) Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ; (8) Xây dựng thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ) và các dự án quan trọng khác của Thành phố (từ nguồn huy động 30.000 tỷ đồng) là 11.385 tỷ đồng.../.


Nam Khánh