Quang cảnh Hội nghị.
Chiều 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ hằng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội; mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội.
Dự kiến tăng 738 tỷ đồng/năm cho chính sách cán bộ cơ sở
Cụ thể, các đại biểu đã thảo luận về Nghị quyết của HĐND TP về chức danh, cơ cấu, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ hằng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị, xã hội; mức hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố.
Hiện tại mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã đang thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND TP: Xã, phường, thị trấn loại 1 được khoán 48 triệu đồng/tổ chức/năm; loại 2 được khoán 44 triệu đồng/tổ chức/năm; cấp xã loại 3 được khoán 40 triệu đồng/tổ chức/năm. Thời điểm ban hành Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng, nay đã tăng 63%, lên 1,8 triệu đồng.
Trên cơ sở cân đối ngân sách của TP Hà Nội, UBND TP đề xuất tăng 50% mức khoán kinh phí quy định tại Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, hỗ trợ thiết thực hoạt động thường xuyên của các tổ chức cấp xã và chỉ hỗ trợ đối với hoạt động của Chi hội tổ chức thuộc thôn, tổ dân phố. Theo đó, Ủy ban MTTQ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp xã được khoán kinh phí hoạt động như sau: Xã, phường, thị trấn loại 1 là 72 triệu đồng/tổ chức/năm, loại 2 là 66 triệu đồng/tổ chức/năm, loại 3 là 60 triệu đồng/tổ chức/năm.
Cùng đó, UBND TP đề nghị giữ nguyên 10 chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND và đề nghị bố chí cơ cấu người hoạt động không chuyên trách như sau: Các chức danh Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn bố trí 1 người; các chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bố trí theo quy định của Luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các văn bản pháp luật hiện hành. Phó Chỉ huy trưởng quân sự bố trí số lượng theo quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản pháp luật hiện hành.
Các chuyên gia, nhà quản lý, thành viên Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã nêu nhiều ý kiến góp ý tại Hội nghị.
Với chức danh Văn phòng Đảng ủy ở Đảng bộ xã, phường, thị trấn quản lý dưới 500 đảng viên bố trí 1 người; từ 500 đến dưới 1.500 đảng viên bố trí không quá 2 người; từ 1.500 đảng viên trở lên bố trí không quá 3 người. Các xã, phường, thị trấn bố trí chức danh, số lượng từng chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo không vượt quá số lượng được giao hằng năm.
Dự thảo Nghị quyết nêu cụ thể các mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; quy định bổ sung về một số nội dung hưởng phụ cấp kiêm nhiệm; mức hỗ trợ hằng tháng, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố...
Đáng chú ý, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết này, dự kiến tổng kinh phí chi trong 1 năm là 1.408,525 tỷ đồng, trong đó: Mức khoán từ quỹ ngân sách Trung ương chi phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong 1 năm theo quy định của Nghị định 33/2023/NĐ-CP là 884,164 tỷ đồng; kinh phí thành phố bổ sung đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 102,041 tỷ đồng; kinh phí khoán đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là 187,158 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ là 34,74 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố là 200,422 tỷ đồng.
Kinh phí chênh lệch trong 1 năm so với Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết 12/2013/NQ-HĐND, Nghị quyết 12/2008/NQ-HĐND là 738,423 tỷ đồng.
Nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp cận những góp ý tối ưu nhất
Tại Hội nghị, các ý kiến đều đánh giá, Nghị quyết của HĐND TP lần này rất cần thiết sớm được ban hành để phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới và thay thế những nghị quyết đã ban hành, vì có hiệu lực đã lâu, nhiều biến động, thay đổi. Nhất là về giá trị đồng tiền nên chế độ chính sách không đáp ứng nhu cầu đời sống cho cán bộ công chức và đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia ở thôn, tổ dân phố cũng như hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội xã hội, xã hội nghề nghiệp. Các chính sách đưa ra trong dự thảo cơ bản bám sát các quy định pháp luật nhất là rất sát Nghị định 33/2023/NĐ-CP và điều kiện thực tế ở Hà Nội hiện nay. Mức tăng phụ cấp cho các chức danh trực tiếp cũng như kiêm nhiệm ở cấp xã và cấp thôn, tổ dân phố đều là phù hợp, khi đề xuất này đã được nêu rất lâu rồi.
Các đại biểu đề xuất tăng mức phụ cấp hằng tháng đối với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố bằng mức phụ cấp hằng tháng của các chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố.
Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Dự thảo Nghị quyết đã bám sát các căn cứ pháp lý, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô.
Các đại biểu cũng đề xuất tăng mức phụ cấp hằng tháng đối với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố bằng mức phụ cấp hằng tháng của các chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố do nhiệm vụ này đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức.
Đồng thời, các đại biểu đề nghị bổ sung mức bồi dưỡng hằng tháng cho chức danh Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân do Chi bộ thôn thường có số đảng viên đông, nhiều chi bộ có số lượng trên 100 đảng viên nên phát sinh nhiều nhiệm vụ so với chi bộ khác. Mức phụ cấp kiêm nhiệm cần được thống nhất cho phù hợp.
Riêng về mức khoán kinh phí hoạt động đối với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, cần căn cứ trên cơ sở nội dung, khối lượng hoạt động và tiền hội phí, đoàn phí… của từng tổ chức, không nên “cào bằng” giữa các tổ chức.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số luật có tác động đến đối tượng được thụ hưởng vào dự thảo nghị quyết; tăng phụ cấp cho người không chuyên trách cấp thôn, xã; tăng mức hỗ trợ cho người hoạt động ở Hội Người cao tuổi và Hội Chữ thập đỏ...
Các đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ trước khi ban hành Nghị quyết này, tránh việc trước đây ngay sau khi thực hiện không còn tổ phó tổ dân phố thì thực hiện theo Đề án 21-ĐA/TU của Thành ủy Hà Nội, nhiều tổ dân phố tăng quy mô số hộ dân lên gấp đôi, 3 chức danh ở địa bàn dân cư chỉ còn có 2 cán bộ kiêm nhiệm, khối lượng công việc rất lớn nên cán bộ không thể đảm nhiệm hết được. Ngoài ra, ở xã và ở phường khác nhau về khối lượng công việc, phường không còn HĐND, nên cũng cần nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tiêu chuẩn của người hoạt động không chuyên trách, vì từ ngày 1/7/2023 thực hiện cải cách chế độ tiền lương, không còn lương cơ sở nữa, trong khi mức phụ cấp thực hiện theo Nghị quyết này căn cứ vào lương cơ sở.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương tiếp thu 11 ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng thời đề nghị, Sở Nội vụ tiếp thu đầy đủ nhằm hoàn thiện dự thảo tối ưu và phù hợp nhất; bảo đảm phù hợp với nguồn lực, điều kiện hiện có của thành phố, nguyện vọng của cử tri cũng như ghi nhận, đánh giá, tôn vinh đội ngũ cán bộ cơ sở.../.