Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Mình Hải phát biểu tại kỳ họp.
Cụ thể, bổ sung 100 tỷ đồng nguồn vốn quyết toán dự án hoàn thành; hoàn trả ngân sách quận Long Biên đã ứng thực hiện các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố 162 tỷ đồng; điều chỉnh giảm nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch 121,9 tỷ đồng; điều hòa nguồn vốn chuẩn bị đầu tư giảm 534 triệu đồng của 1 dự án để thông báo cho các dự án khác; giảm và điều chỉnh kế hoạch đầu tư dự án cấp thành phố trên 455 tỷ đồng; tăng và điều chỉnh kế hoạch ngân sách thành phố hỗ trợ có mục tiêu cho các huyện, thị xã trên 315 tỷ đồng của 74 dự án.
Sau khi Trung ương có quyết định giao bổ sung nguồn thưởng vượt thu năm 2022, HĐND thành phố giao UBND thành phố rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư công năm 2023 theo quy định pháp luật, trong đó cơ cấu Kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã bố trí cho các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung trong nước sang nguồn thưởng vượt thu năm 2022.
Rà soát, phân bổ kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án từ kế hoạch vốn (4.200 tỷ đồng) nguồn xây dựng cơ bản tập trung trong nước sau khi được cơ cấu lại.
Phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho từng nhiệm vụ, dự án trên cơ sở hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của các nhiệm vụ, dự án và tuân thủ Luật Đầu tư công.
Đối với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025 bổ sung, UBND thành phố tiếp tục rà soát đánh giá nguồn lực dành cho đầu tư công trung hạn...
UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2023 về kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023, cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Cập nhật tổng nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố và Kế hoạch vốn trung hạn nguồn ngân sách Trung ương nước ngoài cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA không hoàn lại của các nhà tài trợ ADB, EU kết hợp vốn đối ứng của thành phố” là 273.877 triệu đồng.
Giải trình làm rõ hơn tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nêu, thời gian qua, UBND thành phố đã tích cực chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhưng tiến độ thực hiện và giải ngân của nhiều dự án chưa đáp ứng yêu cầu. UBND thành phố đã phân tích đánh giá, nhận diện các nguyên nhân chính có tác động trực tiếp đến tiến độ giải ngân thấp như: Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, về nhà, đất tái định cư, về thủ tục đầu tư...
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND thành phố cũng biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố Hà Nội.
Theo Nghị quyết, tổng số dự án phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư là 33 dự án, trong đó có 3 dự án nhóm A; 30 dự án nhóm B, C với tổng mức đầu tư dự kiện 27.532,3 tỷ đồng.
Trong đó, phê duyệt chủ trương đầu tư với 30 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 15.085,4 tỷ đồng phân bổ cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế, dân số và gia đình; văn hóa thông tin; lĩnh vực môi trường; thủy lợi; giao thông; hạ tầng kỹ thuật tái định cư; công trình công cộng đô thị....
Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 4 dự án sử dụng ngân sách cấp thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến 12.446,9 tỷ đồng, trong đó dành cho lĩnh vực giao thông có các dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ba Sao - Bái Đính đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn, huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa; Dự án nâng cấp đường tỉnh 42A từ Cống Thần đến Cầu Giẽ, huyện Phú Xuyên.
Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy ý kiến tác động của việc thực hiện Dự án thành phần 3 (dự án PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội./.