Đoàn kiểm tra, giám sát của TP Hà Nội do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn giám sát tiến độ thực hiện Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.


Mấy ngày gần đây, các đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội liên tục giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn các quận, huyện. Công việc này chính là việc triển khai Quyết định số 3593-QĐ/TU ngày 13/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thành lập 5 đoàn giám sát tại 10 tổ chức Đảng, 12 đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.

Việc này được đặt trong bối cảnh kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP Hà Nội đến ngày 31/8/2022 mới đạt tỷ lệ 29,3% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình toàn quốc và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước. Theo thống kê, chỉ có 16/42 đơn vị được giao kế hoạch có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình. Các dự án trọng điểm của thành phố triển khai chậm cả về thủ tục đầu tư và giải ngân vốn. Ngoài 8 dự án chuyển tiếp, mới phê duyệt được chủ trương đầu tư 6 dự án, còn 25 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; tỷ lệ giải ngân các dự án trọng điểm đạt thấp (23,51%), số chưa giải ngân lớn (5.583 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chậm, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, dẫn đến vướng mắc trong quá trình giải ngân, dự án phải điều chỉnh, gia hạn nhiều lần. Còn 95/137 dự án đã được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chưa phê duyệt dự án. Nhiều dự án chuyển tiếp (113/194 dự án) đến hết năm 2022 sẽ hết thời hạn thực hiện, phải điều chỉnh thời gian thực hiện để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn năm 2023. Chính việc giải ngân chậm, chuẩn bị đầu tư chưa tốt ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy đảng, chính quyền và niềm tin của nhân dân…

Tìm hiểu thực tế tại cơ sở cho thấy, trong quá trình triển khai thủ tục, thi công các công trình, dự án trọng điểm có nhiều bất cập, điểm nghẽn phát sinh chưa được tháo gỡ. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật có sự bất cập, chồng chéo, vướng mắc lẫn nhau, nhất là về cơ chế, chính sách… nên việc giao nhiệm vụ lập, thẩm định, trình chủ trương đầu tư kéo dài…

Đáng lưu ý nhất là công tác giải phóng mặt bằng còn có những vướng mắc. Một số dự án chủ đầu tư trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng, các quận, huyện thực hiện chức năng của hội đồng giải phóng mặt bằng tại địa phương nên không chủ động được tiến độ triển khai. Rồi tình trạng thay đổi về tên chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức, công tác kiện toàn Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án để giải quyết các tồn tại mới được triển khai các bước tiếp theo. Hay các nội dung liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thường trễ hẹn, kéo theo tăng vốn đầu tư, thời gian thi công kéo dài… làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.

Ngoài ra, cũng không phủ nhận đâu đó có tình trạng “sợ trách nhiệm”, “né trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thậm chí người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa cương quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa dám đương đầu với khó khăn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của các dự án.

Trước thực tế đó, nhiều người cho rằng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lập các đoàn giám sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố là rất cần thiết. Và kết quả giám sát những ngày qua của các đoàn càng khẳng định đây là một trong những biện pháp kịp thời, đúng đắn. Bởi tại các cuộc giám sát, các đoàn đã ghi nhận được những khó khăn, vướng mắc mà nếu không có sự vào cuộc của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành thì không thể triển khai thực hiện được.

Tại các cuộc giám sát, các đoàn đã chỉ ra rằng, để các công trình, dự án trọng điểm của TP Hà Nội tiếp tục đạt tiến độ đề ra, điều cần thiết nhất là các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn, giải quyết nhanh, kịp thời các đề xuất kiến nghị của từng chủ đầu tư, tại từng dự án. Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền mới đề xuất, kiến nghị lên cấp thành phố. Có như vậy mới “tháo chốt” những điểm còn nghẽn…

Đặc biệt, các đoàn giám sát luôn đề nghị, các cơ quan liên quan phải làm tốt công tác tuyên truyền việc thực hiện các dự án; có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với những công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025…

Cũng từ kết quả của các cuộc giám sát, những người đứng đầu đoàn giám sát đã cam kết với các quận, huyện là sẽ đề xuất thành phố thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm để đôn đốc, kết nối các sở, ngành, quận huyện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm thời gian tới. Điều này thể hiện quyết tâm “chung tay” cùng vào cuộc với các cơ quan, chính quyền để gỡ khó cho cơ sở, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế có thể nảy sinh./.

Thu Hà