Quang cảnh Hội thảo.
Sáng 22/12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề Vận dụng sáng tạo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đại biểu Trung ương dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, Thiếu tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú...
Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến…
Đề xuất những giải pháp phù hợp thực tiễn để xây dựng Thủ đô
Phát biểu Khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Tại Thủ đô Hà Nội, thực tiễn hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng bộ TP, nhất là sau 35 đổi mới, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Tuy nhiên, bên cạnh đó, TP hiện gặp không ít những khó khăn, thách thức, như: Tác động của đại dịch COVID-19; nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình đô thị hóa. Việc huy động, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô luôn là vấn đề thách thức và còn nhiều vướng mắc cả về thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Thành phố, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu bế mạc hội thảo.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với nhận thức sâu sắc rằng: Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; nhằm tiếp tục phát huy tốt hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng, truyền thống cách mạng kiên cường qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045.
Trong đó, đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc, có tầm khái quát rất cao, hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Hội thảo quán triệt đầy đủ, sâu sắc hệ quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII, nhất là quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đồng thời, khai thác, vận dụng sáng tạo những giá trị to lớn, cốt lõi trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đề xuất những giải pháp cơ bản, phù hợp thực tiễn Thủ đô, góp phần đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP đã đề ra, xây dựng và phát triển Thủ đô của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vững bước đi lên theo con đường chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Vận dụng nền tảng đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh: Hội thảo là dịp Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách đúng đắn, khách quan, khoa học và làm sáng tỏ các giá trị cốt lõi về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 90 năm xây dựng và phát triển.
Đồng thời làm sáng tỏ việc Đảng bộ TP Hà Nội luôn vận dụng sáng tạo, linh hoạt những vấn đề lý luận của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trên cơ sở đó nhận thức đúng tầm quan trọng của Đảng bộ TP trong sự phát triển của cả nước. Phân tích và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm về xây dựng CNXH và con đường đi lên CNXH trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng bộ TP trong sạch vững mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức Hội thảo nhận được trên 40 bài tham luận khoa học của các đại biểu đang giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước; các cơ quan Trung ương; các cơ quan khoa học, các nhà khoa học: Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Cộng sản; các sở, ngành, địa phương của TP Hà Nội.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu đề dẫn hội thảo.
Các tham luận khoa học gửi đến Hội thảo đề cập đến nhiều nội dung về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và việc vận dụng trong thực tiễn xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Nội dung bài viết gửi tới tham gia Hội thảo được chuẩn bị công phu, đảm bảo tính khách quan khoa học, được minh chứng, luận giải bằng những lập luận chặt chẽ, phân tích, nhận định, đánh giá sâu sắc, số liệu cụ thể, rõ ràng làm nổi bật những kết quả, thành tựu mà Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng đã giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hơn 9 thập kỷ qua, rút ra được những kinh nghiệm hay, đề xuất được các chủ trương, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng bảo vệ Thủ đô và đất nước hiện nay.
Giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu sắc, nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng và nội dung bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn là tất yếu và đúng đắn, Việt Nam chỉ có một con đường cách mạng là Cách mạng Xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu đề xuất các giải pháp trong chủ động, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Những kinh nghiệm trong chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP để sớm đưa các Nghị quyết đi vào hiện thực cuộc sống, nhằm xây dựng Thủ đô ta giàu mạnh, “không ngừng nâng cao mức sống của Nhân dân”…
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, về cơ bản, Hà Nội phản ánh một nước Việt Nam thu nhỏ, xét trên mọi mặt cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, con người, môi trường, an ninh, trật tự an toàn xã hội….Tuy chưa phải là địa phương tiên phong trên tất cả các mặt nhưng lại là nơi có trọng trách giữ nhịp đập cho tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh sự phát triển trong tương lai của Thủ đô Hà Nội cần tiếp tục hội tụ được cả ba việc lớn: Định vị tầm nhìn và mục tiêu phát triển của Hà Nội hội tụ với tầm nhìn và định hướng phát triển chung của đất nước; sự hội tụ giữa nguồn lực của cả nước với nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô - trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng đất linh thiêng, truyền thống thanh lịch, thành phố anh hùng và thành phố hoà bình, nơi tích tụ nhiều giá trị văn hóa, tinh thần tiên phong, nhạy bén với cái mới; sự thống nhất, hội tụ và phát huy sức mạnh của “ý Đảng, lòng Dân” - nhân tố quan trọng hàng đầu để Hà Nội vươn tới tầm cao phát triển mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
“Hà Nội phải tập trung huy động trí tuệ của toàn Đảng bộ, khơi dậy khát vọng, ý chí quyết tâm của mỗi người dân Thủ đô; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô – thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trong đó, người dân thủ đô là trung tâm của quá trình phát triển, chất lượng cuộc sống của mọi người dân được đặt lên hàng đầu” – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
GS.TS Phùng Hữu Phú - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm là làm sao cho các nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhân lên, được thấm sâu, lan tỏa trong mọi mặt của đời sống, của quan hệ xã hội để Hà Nội thật sự là Thủ đô tiêu biểu cho những giá trị xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, đáp ứng được niềm tin, khát vọng chân chính của nhân dân ta.
Để thực hiện được trách nhiệm và sứ mệnh cao cả đó, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng, Hà Nội cần nhận thức sâu sắc hơn và giải quyết hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, với chú trọng phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, TP cần quan tâm nhiều hơn đến chăm lo phát triển, phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Nội, chăm lo cải thiện, bảo vệ môi trường xã hội, văn hóa, sinh thái, nâng cao chỉ số con người, chỉ số hạnh phúc. Đây chính là những thước đo thiết thực nhất, phù hợp với lòng dân nhất về tính ưu việt của Thủ đô xã hội chủ nghĩa…
Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, Đảng bộ Hà Nội - Đảng bộ lớn nhất cả nước, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, với nhiều tiềm năng, thế mạnh. Do đó, đề nghị TP tập trung cho nhiệm vụ “then chốt” xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng tầm đảng bộ hình mẫu, toàn diện về mọi mặt. “Suy cho cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều bắt nguồn từ đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ mà ra. Từ thực tiễn của thành phố, chúng ta làm thế nào để có một đội ngũ cán bộ tốt về mọi mặt? Chúng ta cùng suy nghĩ xem, có thể bắt đầu từ đổi mới việc đánh giá đội ngũ cán bộ hiện nay sao cho đúng thực trạng; đánh giá sao cho sát, đúng thực chất từng cán bộ trong hệ thống của mình. Từ đó, thành phố có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách thông qua học tập, nghiên cứu, môi trường công tác, thông qua luân chuyển, bố trí, sắp xếp, sử dụng cho khoa học, phù hợp năng lực, sở trường và yêu cầu, đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị” – ông Nguyễn Quang Dương nêu…
Kết luận Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, các bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đạt được đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện những năm qua và gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp có giá trị cho Thủ đô nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, từ kết quả của Hội thảo, Thành ủy Hà Nội sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến tham luận phù hợp để đưa vào các nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện, góp phần xây dựng Đảng bộ TP và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội./.