Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm trước cổng trường Tạ Quang Bửu.
Cụ thể, từ 2h sáng ngày 3/7, phụ huynh chen chân xếp hàng ở cổng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Khoảng 5 giờ 30, so với số thứ tự phụ huynh xếp hàng từ đêm với chỉ tiêu tuyển sinh nhà trường được phê duyệt thì đã không tiếp nhận thêm cho phụ huynh đến sau nữa.
Trước đó, theo thông báo đăng tải trên trang web chính thức vào 19h56 ngày 1/7, Trường THPT Phan Huy Chú cho biết sẽ nhận hồ sơ tuyển sinh từ 7h30-11h ngày 4/7. Nhiều phụ huynh đến sớm cả tiếng so với giờ thông báo đã ngơ ngác vì "mất lượt" từ... đêm.
Lo lắng sẽ hết chỗ như trường Phan Huy Chú, từ 11 giờ đêm hôm trước, nhiều người mang ghế, trải chiếu cắm chốt ở cổng Trường THPT Tạ Quang Bửu, THPT Hoàng Cầu để chờ trời sáng, giành suất học cho con. Điều đáng nói là đến sáng hôm sau, Trường THPT Hoàng Cầu đã điều chỉnh điểm chuẩn tuyển sinh đợt 2 từ 37 (đã thông báo trước đó) lên 38 điểm khiến phụ huynh nháo nhào, thậm chí có người nói: “Thật sự đau tim, như chơi chứng khoán”... Đây là những ngôi trường được đánh giá là có chất lượng giáo dục tốt, môi trường tốt với "đầu ra" đảm bảo. Mức học phí của các trường này cũng cao hơn nhiều so với trường THPT công lập, trong khi đó chỉ tiêu lại hạn chế.
Trao đổi với báo giới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, hầu như năm nào thành phố cũng xảy ra tình trạng này nhưng không diễn ra ở nhiều trường như năm nay. Tình trạng này là do nhu cầu của phụ huynh quá cao, chỉ tiêu nhà trường ít và một phần do hiệu ứng lo lắng. "... Khi nhu cầu phụ huynh quá cao, lên tới hàng nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu cho trường chỉ vài ba trăm, giải bài toán này khiến chúng tôi rất đau đầu, đến hiệu trưởng cũng phải tắt máy điện thoại vì quá áp lực", ông Trần Thế Cương nói.
Điều đáng nói, hàng trăm, hàng nghìn phụ huynh xếp hàng giành suất nộp hồ sơ lớp 10 cho con vào các trường kể trên phải đáp ứng hai điều kiện bắt buộc. Thứ nhất, họ phải lo đủ kinh tế để nộp mức học phí từ khoảng 4-10 triệu đồng/tháng cho con. Số tiền này cao hơn gấp nhiều lần học phí trường công. Thứ hai, con của họ đạt kết quả thi lớp 10 với điểm khá hoặc điểm giỏi, trung bình trên 7 đến trên 8 điểm/môn. Những trường này nhu cầu đến cả nghìn hồ sơ trong khi chỉ tiêu lại có hạn (chỉ khoảng vài trăm).
Chia sẻ tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội ngày 5/7 về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, ở Hà Nội, hiện nay trường cho học sinh học cấp THPT trên địa bàn không thiếu, nhưng do nhu cầu phụ huynh mong con được học ở một số trường có uy tín, đào tạo tốt nên đã dẫn đến tình trạng phụ huynh lo lắng, đi xếp hàng từ nửa đêm để giữ chỗ nên xảy ra cảnh phụ huynh xếp hàng từ sáng sớm để nộp hồ sơ cho con.
Tuy nhiên, những con số được đưa ra từ các văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội lại thể hiện một thực tế hơi khác. Cụ thể, năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, toàn thành phố có 129.210 học sinh lớp 9. 128 trường THPT công lập và công lập tự chủ trên địa bàn thành phố được giao 75.430 chỉ tiêu. 29 trường giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của Hà Nội được giao 10.305 chỉ tiêu. 95 trường THPT tư thục được giao 26.829 chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu cho lớp 10 là 112.564/129.210 học sinh lớp 9… Như vậy có nghĩa là hơn 16.600 học sinh vẫn sẽ không có chỗ học.
Chưa hết, tổng thể như lời của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội có thể không thiếu trường nhưng việc phân bố dân cư không đều cho nên một số khu vực ở nội đô như các quận Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... mật độ dân số quá đông trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế nên dẫn tới tỉ lệ chọi ở những khu vực nội thành rất khắc nghiệt. Thực tế kỳ thi vừa qua cho thấy, học sinh phải đạt học lực giỏi mới có cơ hội trúng tuyển. Những học sinh khá, trung bình khó “có cửa” để vào trường công hay các trường tư có chất lượng tốt trong khu vực nội đô.
Vì thế, nhiều học sinh nội thành đạt 37 - 38 điểm, tức lực học không kém vẫn mất cơ hội vào các trường công lập. Đây cũng là một thiệt thòi lớn đối với những học sinh này. Trong khi đó, trẻ trong độ tuổi đi học cần phải được đảm bảo đầy đủ quyền học hành. Không thể vì những nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách, thiếu đất xây lớp, xây trường mà tước đi quyền lợi học tập chính đáng của trẻ. Điều đó cũng cho thấy sự quá tải của hệ thống giáo dục Hà Nội và bất cập trong việc quy hoạch, khi trường lớp nhiều nơi đã không còn đáp ứng đủ số lượng học sinh đang ngày một tăng lên.
Cô N.T.Đ, giáo viên một trường THCS tại quận Nam Từ Liêm chia sẻ: Để đạt điểm 8-9 là những học sinh khá cứng, giỏi. Vậy những học sinh chỉ ở mức khá, hoặc tiệm cận khá không có cơ hội để học lớp 10 hay sao? Cô Đ cũng phản đối quan điểm của nhiều người khi cho rằng học sinh thi trượt đồng nghĩa với không có năng lực học tập thì nên đi học nghề. Cô Đ gọi đó là "suy nghĩ vô cảm".
"Học nghề không dành riêng cho học sinh học kém, học văn hóa không dành riêng cho học sinh học tốt. Lựa chọn học nghề hay học văn hóa là quyền lựa chọn mang tính cá nhân. Người lớn có trách nhiệm định hướng cho các con, nhưng lựa chọn như thế nào là quyền của các con. Tuy nhiên hiện tại, các con đi học nghề trong sự ép buộc của tình thế, nếu không đi học nghề thì không có lựa chọn nào khác. Các con lớp 9 vẫn là lứa tuổi trẻ em. Nếu các con có nhu cầu học tập thì tại sao lại từ chối? - Cô Đ nêu quan điểm.
Còn nữa, ngành giáo dục Hà Nội nói không thiếu chỗ học, có thể đúng, nhưng chỗ học nào mới quan trọng. Vì học sinh ở khu vực nội thành chẳng nhẽ lại đăng ký những trường trên Đan Phượng, Ba Vì, Ứng Hòa, Bất Bạt… bất chấp khoảng cách 30-60km cho phù hợp với năng lực? Còn nếu chọn các trường tư thì không phải gia đình nào cũng có thể cho con đi học với mức học phí gấp nhiều lần so với các trường công.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên thì có nhiều, trong đó đáng chú ý là do hệ thống trường lớp không theo kịp tốc độ tăng của dân số. Nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên đang khiến những khu vực đông dân cư trở nên quá tải, trong khi trường lớp không đủ đã gây ra tình trạng thiếu chỗ học cho học sinh...
Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, cơ quan quản lý, trong đó có cơ quan quản lý giáo dục. Nhiều người cho rằng, thời gian tới, Hà Nội phải đẩy mạnh kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục. Điều này cũng đã được Giám đốc Sở Trần Thế Cương phát biểu tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội là thành phố phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025 tất cả các trường trên địa bàn triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không còn trường nào thu hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tiếp.
Cùng với đó, Hà Nội đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa với các phương án thu hồi các dự án treo để dành quỹ đất xây dựng trường công lập. Điều này cũng đã được Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan. Và khi thành phố đã có chủ trương, lãnh đạo cấp sở, ngành và quận, huyện phải đẩy nhanh tiến độ rà soát các dự án treo thì mới thúc được tiến độ đầu tư xây dựng trường học.
Có thể nói, chất lượng Giáo dục ở Thủ đô tốt hơn mặt bằng chung của cả nước, luôn là điểm sáng của cả nước nên cũng giống như các bệnh viện tuyến đầu của Hà Nội luôn thiếu giường, các trường học tốp đầu của Hà Nội cũng luôn thiếu chỗ cho học sinh. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc xây dựng thêm trường, kéo giãn dân cư ra ngoại thành, về lâu dài, Hà Nội phải nghiên cứu mô hình đào tạo phù hợp với nhu cầu phụ huynh, học sinh.
Muốn thế, điều cần quan tâm là giải quyết tốt việc phân luồng học sinh sau cấp THCS. Các cấp, các ngành liên quan cần thay đổi cách nhìn, tư duy, thái độ của phụ huynh, học sinh… thì hiện tượng phụ huynh phải vất vả chạy ngược chạy xuôi hay xếp hàng xuyên đêm giành suất nộp hồ sơ lớp 10 mới không xảy ra.../.
Nam Khánh
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM