Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. 


Đạt 24/27 tiêu chí để phát triển thành quận

Chiều 5/3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo, năm 2020, huyện Gia Lâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kế hoạch TP giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 8,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.501,4 tỷ đồng, bằng 152,3% dự toán, vượt kế hoạch thành phố giao. 2 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt 375 tỷ đồng, bằng 15,2% dự toán TP và huyện giao.

Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng… được quan tâm đẩy mạnh. Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 2.387,2 tỷ đồng, bằng 94,6% kế hoạch. Đến nay, huyện có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã hoàn thiện hồ sơ trình TP quyết định công nhận nông thôn mới nâng cao; 1 xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với tiêu chuẩn thành quận, huyện đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp dô thị, mật độ đường giao thông đô thị.

Về công tác xây dựng Đảng, năm 2020, huyện Gia Lâm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chuyên đề. Huyện đã cơ bản hoàn thành thực hiện Đề án 21, giảm được 28 thôn, tổ dân phố, giảm 763 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Để phấn đấu hết năm 2023, huyện Gia Lâm đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận theo chỉ đạo của TP, huyện Gia Lâm kiến nghị Thành ủy quan tâm, chỉ đạo 4 lĩnh vực:  Quy hoạch; đầu tư; quản lý đô thị và phân cấp. Theo đó, Gia Lâm kiến nghị rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trên địa bàn. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện; lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch vùng huyện Gia Lâm đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/25000… Đối với lĩnh vực đầu tư, sớm ban hành Quyết định quy định sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng tiêu chí thành lập quận, phường giai đoạn 2021-2025.

Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, huyện Gia Lâm đề nghị TP chấp thuận chủ trương giao UBND huyện Gia Lâm nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải phân tán trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách huyện; có cơ chế đặc thù để đặt tên cho tuyến đường, phố trên địa bàn huyện trong thời gian tới.  Phân cấp cho huyện được hưởng 100% tiền sử dụng đất các doanh nghiệp nộp khi thực hiện dự án thu hồi đất trên địa bàn huyện tạo nguồn vốn triển khai các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận….

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ thăm các cơ sở sản xuất tại làng nghề gốm Bát Tràng. 


Giải bài toán hài hoà giữa các lợi ích, chú ý sinh kế cho người dân

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai nhiệm vụ của huyện Gia Lâm trong những năm qua. Điều này đã đưa huyện là đơn vị phát triển sôi động, năng động; tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách tăng vượt bậc…“Gia Lâm là huyện có điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển thành quận và có thể đạt được mục tiêu sớm nhất trong 5 huyện trở thành quận trong thời gian tới với những tiềm năng, lợi thế hiện có” – Bí thư Vương Đình Huệ nói.

Để Gia Lâm đạt được mục tiêu này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc của huyện. Trong đó, sớm rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thủ đô trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh cung cấp chỉ giới đường đỏ, nhất là khu vực làng nghề gốm Bát Tràng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho huyện cải tạo, mở rộng Bệnh viện huyện Gia Lâm với quy mô 200 giường bệnh bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Theo Bí thư Vương Đình Huệ, là đơn vị đi sau nên Gia Lâm có lợi thế hơn các đơn vị đi trước, có điều kiện để đi thẳng vào xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Gia Lâm là huyện có diện tích đất rộng, sự thay đổi về mặt dân số cũng rất tích cực khi nhiều tầng lớp trẻ sẽ về ở các khu đô thị, làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh nên trình độ dân trí sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của huyện cũng thuận lợi, cách trung tâm TP chỉ 8km; huyện cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, gắn với truyền thống dựng nước và giữ nước, có nhiều di tích cấp quốc gia nhất, nhiều làng nghề nổi tiếng. Chính vì thế, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Gia Lâm cần đánh giá đúng để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế đối với sự phát triển của huyện.

Tuy nhiên đồng chí Vương Đình Huệ lưu ý vì Gia Lâm có tốc độ đô thị hoá nhanh để lên quận phải giải bài toán hài hoà giữa các lợi ích cũng như phải chú ý đến phát triển sinh kế cho người dân. Quá trình xây dựng nông thôn mới trong điều kiện đang lên quận phải gắn liền với vấn đề đô thị hoá. Vì phát triển đô thị không gắn với phát triển nghề nghiệp thì sẽ xuất hiện các tòa nhà không có ai ở. Nhưng nếu phát triển kinh tế mà không gắn với đô thị hóa thì sẽ dẫn đến xung đột, thiếu hạ tầng.../.

 

Thu Hà