Từ một vùng đất còn kém phát triển phía Đông Bắc Hà Nội nhưng quận Long Biên đang dẫn đầu thành phố về quy hoạch, quản lý đô thị, cải cách hành chính; nơi “xuất khẩu” nhiều ý tưởng, cách làm sáng tạo để thành phố và Trung ương triển khai ra diện rộng.
Đi trước nhiều phong trào
Năm 2003, khi mới thành lập, dấu ấn “làng xã” còn rõ nét, trong tư duy của một số lãnh đạo, người dân quận Long Biên. Cũng thời điểm đó, kinh tế của huyện còn khó khăn nhưng lãnh đạo quận Long Biên đã vượt qua dư luận để chọn ra khâu đột phá, vấn đề mấu chốt đó là làm quy hoạch.
Lãnh đạo quận đã phải đi “xin,” vay ngân sách để dành cho việc lập quy hoạch. Quá trình làm quy hoạch, quận cũng khuyến khích cách làm hay sáng tạo, dám nghĩ dám làm nên đã đạt được nhiều kết quả. Chỉ sau 2 năm, Long Biên đã có quy hoạch chi tiết 1/2000 về sử dụng đất và giao thông, quy hoạch về hạ tầng kỹ thuật.
Quận cũng là địa phương đầu tiên được thành phố phân cấp về quy hoạch; quận đã công bố 60 đồ án quy hoạch, phê duyệt 236 quy hoạch chi tiết. Nhờ có quy hoạch, dù lúc mới thành lập nguồn lực đầu tư còn ít nhưng Long Biên đã xác định xây dựng hạ tầng khung trước như: điện, đường, trường trạm, vườn hoa, công viên..., giúp một huyện ngoại thành Hà Nội lột xác nhanh chóng, hiện đại.
Tại quận Long Biên hiện nay đã hình thành các khu đô thị lớn, đồng bộ và hiện đại như: Khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Bồ Đề, Thạch Bàn, Vinhomes Riverside, Rice Home sông Hồng, Hà Nội Garden City, Vinhomes The Harmony, Berriver Long Biên... góp phần làm cho diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng.
Long Biên đã trở thành “trung tâm mới” của thành phố Hà Nội, điểm đến hấp dẫn, đáng sống, kéo theo làn sóng dịch chuyển cư dân sang bên kia sông Hồng sinh sống, giúp giảm dân cư nội đô. Long Biên đã thực sự trở thành một trong những nơi sầm uất, nhộn nhịp của Thủ Đô.
Mặt khác, khi có quy hoạch, hạ tầng khung được đầu tư đồng bộ, Long Biên từng bước thu hút các nhà đầu tư, phát huy mạnh mẽ nguồn lực từ đất, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Như năm 2021, quận là một trong những đơn vị có số thu dẫn đầu thành phố với gần 13.000 tỷ đồng, gấp 48 lần so với ngày đầu mới thành lập; trên 10.000 doanh nghiệp và 10.000 hộ kinh doanh cá thể; trong đó, có nhiều tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn đã chứng minh sức hấp dẫn và sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất Long Biên địa linh nhân kiệt. Năm 2022, trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, quận vẫn đạt số thu 11.358 tỷ đồng.
Ở công tác quản lý nhà nước, quận Long Biên lựa chọn cải cách hành chính; trong đó, tập trung vào 3 vấn đề trụ cột là đào tạo con người, chuẩn hóa quy trình và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua kết quả chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội, quận Long Biên nhiều năm liền đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính khối quận, huyện, thị xã.
Quận đã thực hiện rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết đối với hàng trăm thủ tục hành chính, rút giảm từ 1 đến 20 ngày làm việc so với trước. Việc xây dựng quy trình nội bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với tất cả các thủ tục hành chính giúp cho việc quản lý thuận tiện, có thể theo sát thời gian thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan, rút gọn đầu mối, giảm ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Từ năm 2016, quận Long Biên đã thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các lĩnh vực: Tư pháp hộ tịch, quản lý đô thị, văn hóa thể thao...
Nhiều quận, huyện và tỉnh thành đã về Long Biên học hỏi và ứng dụng mô hình cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra, Long Biên là quận đầu tiên của thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo, tạo bước đột phá về an sinh xã hội.
Xây dựng thành quận kiểu mẫu
Một góc hồ thuộc Công viên, hồ Ngọc Thụy. (Ảnh: Mạnh Khánh)
Hà Nội đang thực hiện các quy trình để Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội mới, thời cơ mới để tạo dựng ra một Long Biên - “trung tâm mới” bên bờ sông Hồng. Điều này cũng đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo Đảng, nhà nước và thành phố về phát triển quận Long Biên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi còn giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội trong lần làm việc với quận Long Biên đầu năm 2021 đã nhấn mạnh, quận phải xây dựng và quản lý đô thị hướng đến xanh, thông minh, hiện đại, phấn đấu trở thành quận kiểu mẫu của thành phố.
Theo Tiến sỹ, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức, dư địa của Long Biên còn rất nhiều để phát triển đáp ứng mong mỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố. Với 2.250 ha đất ngoài đê, chiếm 37% đất tự nhiên của quận nên cần đánh thức không gian này bằng việc kêu gọi đầu tư theo hướng nhà nước và nhân dân cùng làm; huy động nguồn lực xã hội hóa. Do đó, quận cần một chương trình phát triển riêng, thận trọng giữ khu vực “hành lang xanh sông Hồng” là bước đi cần thiết trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan Đại học Xây dựng Hà Nội bổ sung, khi Long Biên phát triển khu vực bên sông Hồng không chỉ cải thiện chất lượng không gian kiến trúc mà còn cải thiện khí hậu, tạo cho cộng đồng dân cư nội đô vốn chật hẹp, có thể sang bên sông để hưởng thêm không gian sinh hoạt ngoài trời, mặt nước. Quận Long Biên sẽ tuyên truyền để người dân trồng cây xanh, tạo cảnh quan đường phố để giữ “vành đai xanh” cho đô thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Long Biên, cho rằng thời điểm này, chính quyền, nhân dân đang cùng nhau nhận diện lại vị thế, giá trị của mảnh đất “Rồng” cùng nhau quyết tâm xây dựng quận thành nơi đáng sống với trụ cột chính: Tri thức, môi trường, sức khỏe và văn hóa.
Với mục tiêu này, quận đang kiến nghị thành phố giao cho quận lập Đề án quản lý 883ha đất nông nghiệp khu vực ngoài đê và 341,2ha đất chưa sử dụng (bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống); đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án được triển khai trên địa bàn quận, gồm: Cầu Trần Hưng Đạo; cầu Giang Biên; các nhà máy xử lý nước thải tập trung An Lạc phường Phúc Đồng; đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống; nút giao thông đường Cổ Linh - cầu Vĩnh Tuy... Di dời một số cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi địa bàn; cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5.000...
Trong các cuộc làm việc với quận Long Biên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, dù vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm trong quản lý đô thị, an ninh trật tự cần khắc phục nhưng thời gian tới, thành phố sẽ chọn Long Biên là một trong những nơi ưu tiên làm điểm những vấn đề mới của thành phố trên các lĩnh vực, giao cho quận làm chủ đầu tư những dự án của thành phố trên địa bàn, qua đây tạo sức bật mới cho quận.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của cấp ủy tổ chức Đảng; thống nhất ý chí, quyết tâm hành động; phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm xây dựng quận Long Biên văn minh, thanh lịch, hiện đại, đáng sống./.