Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm việc.

 

Ngày 6/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 15-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 1-9-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Phát biểu tại buổi là việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn ghi nhận, huyện Phúc Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU và Chỉ thị số 09-CT/TU, cả hệ thống chính trị của huyện vào cuộc, người dân đồng tình ủng hộ, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực. Huyện đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lãnh đạo huyện định kỳ giao ban, nắm bắt tình hình để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.

Về những hạn chế, nhất là hạn chế trong công tác cán bộ phụ trách lĩnh vực này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện Phúc Thọ thời gian tới tiếp tục quan tâm kiện toàn bộ máy tổ chức để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 08-NQ/TU và Chỉ thị số 09-CT/TU, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình 08-Ctr/TU có ý nghĩa rất lớn đối với toàn thể cán bộ, Nhân dân Thủ đô. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng chí đề nghị huyện Phúc Thọ đổi mới cách thức, phương pháp triển khai quyết liệt, phân cấp, phân quyền cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị trong thực hiện giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường rà soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đối với những khó khăn, vướng mắc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội yêu cầu huyện Phúc Thọ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của thành phố để tháo gỡ, thực hiện để có kết quả tốt. Huyện cần tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, xử lý kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại với người dân và công khai các dự án, tạo đồng thuận cao trong thực hiện, triển khai các dự án trên địa bàn huyện. Các cấp ủy, HĐND huyện tiếp tục kiểm tra, giám sát chuyên đề, nhằm tạo chuyển biến mới trong quản lý đất đai, thực hiện giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước đó, báo cáo với Đoàn giám sát cho biết, sau 5 năm thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng, quản lý và sử dụng đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Phúc Thọ có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân, cán bộ, công chức về tầm quan trọng của pháp luật về đất đai được nâng cao. Cán bộ quản lý và chuyên môn thực thi nhiệm vụ thận trọng, trách nhiệm. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng được huyện thực hiện đúng trình tự, thủ tục; hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai được quan tâm, đầu tư.

 

Trong tổng số 76 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, huyện đã hoàn thành 66 dự án (còn 10 dự án đang thực hiện). Tổng diện tích đất thu hồi 128.411ha, liên quan đến 3.084 hộ dân với tổng kinh phí bồi thường hơn 550 tỷ đồng. Việc chi trả bồi thường, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện dự án. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ tháng 10-2016 đến tháng 8-2021, huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 3.305 hộ đủ điều kiện; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 45.551 thửa đất đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ cũng thừa nhận, một số dự án thực hiện giải phóng mặt bằng còn chậm; một số đơn thư, khiếu nại về đất đai đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm; còn một số trường hợp vướng mắc chưa được tháo gỡ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân…Nguyên nhân là do nguồn gốc đất đa dạng, phức tạp, chính sách về đất đai, cán bộ địa chính thay đổi qua nhiều thời kỳ; chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp; việc thể chế hóa còn chậm; ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một số người dân còn hạn chế…

Do đó, thời gian tới, huyện Phúc Thọ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; phối hợp chặt chẽ với các ngành, chủ đầu tư nhằm bảo đảm hoàn thành tiến độ thực hiện các dự án và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…/.
Nam Khánh