Chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh đáng buồn về các vỉa hè có tuổi thọ lên đến 70 năm trong tình trạng khá thảm thương như thế này.


Năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố, đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên, có kết cấu bền vững với tuổi thọ 70 năm.

Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 255 tuyến phố, hè đã được lát đá tự nhiên; tập trung chủ yếu tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Khi hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng, vỉa hè lát loại đá này không kéo dài như mong đợi mà xuống cấp nhanh chóng, thậm chí nứt vỡ nham nhở chỉ trong vài năm đưa vào sử dụng.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày này, chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh đáng buồn về các vỉa hè có tuổi thọ lên đến 70 năm trong tình trạng khá thảm thương như vỉa hè đường Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giảng Võ (Ba Đình)… Nhiều đoạn dài nhan nhản vết nứt, vỡ. Có chỗ các viên đá lát bung ra, vỡ nát khiến vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Điều đáng nói là không phải đến bây giờ báo chí mới phản ánh tình trạng xuống cấp này. Từ năm 2017, sau khi một số quận của Hà Nội triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, hiện tượng nứt, vỡ, sụt, lún đã xảy ra ở nhiều nơi. Dư luận phản ánh, bức xúc, cơ quan chức năng thành phố lập đoàn kiểm tra... Rồi Thanh tra thành phố đã kết luận có tình trạng thi công không bảo đảm chất lượng, trong đó có cả lỗi của nhà thầu cũng như lỗi vận hành sau đầu tư. Một số tổ chức, cá nhân cũng đã bị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo quy định.

Theo tìm hiểu, sau những tồn tại, sai phạm giai đoạn trước năm 2018, từ năm 2019 đến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu dự án lát đá vỉa hè nói riêng và dự án cải tạo chỉnh trang hè phố nói chung. Theo đánh giá, đến nay, các dự án cơ bản bảo đảm tuân thủ theo thiết kế mẫu được UBND thành phố ban hành. Việc quản lý chất lượng đã được chủ đầu tư, nhà thầu cơ bản tuân thủ…

Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Ngọc Thắng thừa nhận, việc quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn những bất cập, như: Công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số dự án chưa đạt yêu cầu; công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt việc phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện) không bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật.

Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư chưa thật sự tốt. Việc tổ chức kiểm tra, rà soát, duy tu, sửa chữa, bảo trì hè hư hỏng, xuống cấp tại một số tuyến chưa kịp thời, vì thế chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan đô thị chưa bảo đảm.

Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng mặt hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt. Tình trạng các phương tiện cơ giới như ô tô, xe máy… đi lên vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè. Điều này đã khiến cho rất nhiều người dân sinh sống ở các khu vực có vỉa hè xuống cấp bức xúc.

Chỉ có điều đáng tiếc là những nguyên nhân ấy vẫn còn nguyên tính thời sự và hầu hết chỉ được nêu ra khi sự đã rồi. Những viên đá lát vỉa hè được cho là có tuổi thọ 70 năm đã vỡ nát sau một vài năm sử dụng và ngân sách thành phố Hà Nội đã và đang phải bỏ ra những khoản kinh phí không nhỏ để sửa sang, bảo dưỡng thậm chí lát mới những đoạn vỉa hè như vậy. Mà đã là ngân sách thì đó chính là tiền thuế của dân. Mặt khác, câu chuyện vỉa hè còn là mỹ quan đô thị, là một phần của "bộ mặt" thành phố và gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của mọi người dân…

Nhiều người cho rằng, để khắc phục tình trạng nêu trên, Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc trong quá trình thực hiện dự án; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi dừng, đỗ phương tiện giao thông trên vỉa hè không đúng quy định; nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc sử dụng mặt hè trái với công năng và mục tiêu đầu tư, gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè. Cùng với đó, thành phố cần kiểm tra lại việc lựa chọn loại đá tự nhiên đã lát vì tuổi thọ 50 - 70 năm chỉ thể hiện độ bền của vật liệu còn chủng loại đá, kích thước và công nghệ lát như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ, tác động đến độ bền của vỉa hè sau khi được lát…

Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì có lẽ chưa thật đầy đủ và chưa mổ xẻ đến tận gốc rễ vấn đề. Thiết nghĩ đã đến lúc thành phố Hà Nội nên kiểm tra tổng thể chương trình cải tạo, lát đá tự nhiên ở vỉa hè. Cơ quan chức năng phụ trách cần tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân, nhất là các chuyên gia. Mà lấy ý kiến một cách thực sự cầu thị, biết lắng nghe chứ không phải làm cho có, cho xong...

Mặt khác, trong đó cũng cần công khai những tuyến phố nào ở Thủ đô đã được cải tạo, chỉnh trang vỉa hè và lát đá tự nhiên mà vẫn xuống cấp. Nguyên nhân có đến từ loại đá chưa phù hợp không? Ngoài việc tìm ra nguyên nhân, còn cần xử lý nghiêm khắc các sai phạm, trong đó không loại trừ bắt các cơ quan liên quan phải bảo hành, chịu trách nhiệm trong thời gian dài nếu do lỗi từ họ. Từ đó mới tìm giải pháp không để tái diễn tình trạng nêu trên…/.

Trung Anh