Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Sáng 8/12, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Tờ trình của UBND thành phố, phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu của Đồ án là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô, có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã với quy mô khoảng 3.359,84 km². Thời hạn quy hoạch gồm giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.

Trong các điểm mới có đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô: Áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.

Một trong những mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phần đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nội dung trọng tâm của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm thống nhất và đồng bộ với nghiên cứu Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô, nắm bắt các cơ hội phát triển mới, định hướng cho các ngành kinh tế chủ đạo, như: Dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế trọng tâm của Thủ đô Hà Nội.

Đồ án đưa ra các đề xuất mới về tập trung xây dựng Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng; mô hình thành phố trong Thủ đô; sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; phát triển đô thị theo mô hình TOD, cải tạo và tái thiết đô thị; xây dựng hành lang xanh...

Trong Đồ án chỉ ra theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như Thành phố, Quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển. Trong đó, sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam: Dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và Quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.

 Điểm mới của Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

có đề xuất “Thành phố trong Thủ đô” - Ảnh minh họa: TH

Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được cơ quan tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ 2 vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2050. Kết nối phát triển sân bay phía Nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp… trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía Bắc, đô thị cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội.

Đáng chú ý, trong Đồ án có đề cập đến khu đô thị trung tâm, Hà Nội sẽ phục dựng, nâng tầm kiến trúc đặc thù “phố Pháp" gắn liền với các hoạt động kinh tế cốt lõi, trung tâm tài chính, thương mại quốc gia. Bảo tồn và phục dựng các giá trị của các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị như trục văn hóa biểu diễn Tràng Tiền- Nhà hát Lớn, Trục tài chính- ngân hàng Ngô Quyền, Trục thương mại- dịch vụ trung tâm Ga Hà Nội... nhằm xây dựng trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại sầm uất nhất Thủ đô, khai thác giá trị di sản kết hợp với tiềm năng kinh tế năng động sắn có…

Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP cho thấy, nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được nghiên cứu, các đề xuất có tính khoa học và thực tiễn, cơ bản đảm bảo phù hợp nội dung của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đồ án sau khi được HĐND Thành phố thông qua sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy trình, quy định của Luật Quy hoạch đô thị./.

 

 

Tin, ảnh: Tuấn Hùng