TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam (Ảnh: TG)
Phóng viên: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội có các quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách. Điều này có mâu thuẫn gì với các quy định của pháp luật hiện hành không, thưa ông?
TS. Lê Duy Bình: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định rằng “căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương được quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình”.
Việc phân cấp, phân quyền đã được khẳng định khá rõ về nguyên tắc thực hiện trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Do vậy quy định đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách không có mâu thuẫn gì với các quy định của pháp luật hiện hành.
Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Hà Nội trong việc sử dụng ngân sách là phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn, và điều kiện, tình hình cụ thể của Hà Nội.
Đối với lĩnh vực tài chính công, trong năm 2022, số thu NSNN của Hà Nội đạt mức 332 nghìn tỷ đồng, chiếm tới khoảng 18,3% tổng thu NSNN của cả nước. Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng một thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Hà Nội cần huy động và triển khai một lượng vốn đầu tư rất lớn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, các công trình thể thao, văn hoá, y tế, giáo dục, thuỷ lợi, cấp thoát nước.
Ví dụ, Hà Nội cần tới 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối trung tâm với đô thị vệ tinh, 888 ngàn tỷ đồng cho 9 tuyến đường sắt đô thị. Đó là chưa tính đến các nguồn vốn cho các dự án xe buýt công cộng, các cầu bắc qua sông Hồng, các công trình văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ khác nữa.
Huy động được nguồn vốn khổng lồ này đã là một khó khăn nhưng việc sử dụng nguồn vốn, giải ngân, thực hiện đúng tiến độ các dự án cũng là thách thức không kém.
Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp này cũng phù hợp với khả năng thực hiện của TP. Hà Nội. Năng lực thực hiện của Thành phố đã được minh chứng rất rõ ràng qua việc chuẩn bị và triển khai dự án đường vành đai 4 và nhiều công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn mà Thành phố thực hiện với vai trò chủ đầu tư trong thời gian vừa qua. Vì thế TP. Hà Nội cần có một cơ chế đặc thù để có thể chủ động, tự chủ hơn trong sử dụng ngân sách, tăng thẩm quyền cho Thành phố trong lĩnh vực đầu tư để đảm bảo khả năng triển khai các dự án đầu tư, thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm và các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Phóng viên: Về tài chính, ngân sách, dự thảo Luật cho phép Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình trọng điểm… Đây có phải là mấu chốt tháo gỡ khó khăn cho Thủ đô phát triển không, thưa ông?
TS. Lê Duy Bình: Cho phép Hà Nội giữ lại tối đa các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền Thành phố để tạo nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các dự án, công trình trọng điểm sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn về hạn chế nguồn lực của Thành phố.
Tuy nhiên, biện pháp này cần phải được thực hiện song song cùng các biện pháp khác và cơ chế đặc thu khác để huy động hiệu quả nhất nguồn lực cho phát triển Thủ đô.
Các cơ chế này cũng đã được xây dựng trong dự thảo của Luật Thủ đô, ví dụ như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT), cho phép Thành phố được nhượng quyền kinh doanh, quản lý các công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, cho phép thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực văn hoá, thể thao ở các dự án có quy mô lớn, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cụ thể hoá phương thức O&M của Luật PPP với công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao.
Các cơ chế này và nhiều giải pháp đặc thù vượt trội khác như trong dự thảo sẽ cho phép thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia nguồn lực để phát triển Thủ đô.
Để đáp ứng nhu cầu vốn vô cùng lớn nhằm phát triển nhanh và bền vững Thủ đô, chúng ta không thể trông chờ vào một giải pháp duy nhất mà rất nhiều cơ chế đặc thù như đã thiết kế như hiện nay trong dự thảo Luật để huy động, sử dụng nguồn lực với mục tiêu “xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn” như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Phóng viên: Chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi có điểm gì mới so với các quy định hiện hành, thưa ông? Và theo đánh giá của ông, nếu các quy định này được thông qua, sẽ mang lại các lợi ích gì cho Thủ đô?
TS. Lê Duy Bình: Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Đối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Các đối tượng là công dân Việt Nam sẽ được hưởng các chế độ đãi ngộ như được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức và hưởng các chế độ, chính sách do HĐND thành phố Hà Nội quy định; được ký hợp đồng vào làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; các đối tượng là người nước ngoài được ký hợp đồng để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, dự thảo Luật cũng đã quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.
Đây có thể xem là các nội dung rất quan trọng, nhằm tạo ra “cú hích” trong cơ chế thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho Thủ đô.
Phóng viên: Ông kỳ vọng và có đề nghị gì đối với các quy định tại Luật Thủ đô sửa đổi?
TS. Lê Duy Bình: Thủ đô Hà Nội không chỉ là là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Với vai trò về kinh tế của mình, sự phát triển của Hà Nội sẽ tạo ra sức sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Việc phát triển Thủ đô do vậy là nhiệm vụ chung của cả nước và sự phát triển này cũng mang lại lợi ích cho vùng và cho cả nước.
Vì vậy tôi kỳ vọng rằng các cơ chế đặc thù dành cho TP. Hà Nội về tổ chức chính quyền, thu hút nguồn nhân lực, quy hoạch, phát triển đô thị, tài chính – ngân sách, huy động và sử dụng nguồn lực, thẩm quyền đầu tư, văn hoá giáo dục, y tế và an sinh xã hội, khoa học giáo dục, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ sớm được thông qua và đi vào thực tiễn. Nhờ đó, người dân Hà Nội và người dân cả nước sẽ sớm được hưởng lợi từ các chính sách, giải pháp chính sách và cơ chế đặc thù này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!