Cùng với quá trình phát triển, quy mô dân số của Hà Nội hiện đã lên tới hơn 8,3 triệu dân. Theo thống kê, Thủ đô đang có khoảng 7,78 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu ô tô và hơn 6,5 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố. Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng đã được chú trọng phát triển nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham gia giao thông công cộng của người dân, Hà Nội không chỉ mở thêm các tuyến xe buýt chạy về những khu vực xa trung tâm mà còn tăng cường kết nối giữa các điểm giao thông công cộng, tạo thuận lợi cho hành khách.

Phương tiện cá nhân gia tăng nhanh gây áp lực lớn lên hạ tầng giao thông. Ảnh: Anh Tuấn.


Ngoài hệ thống xe buýt, hệ thống giao thông công cộng Hà Nội hiện nay còn có sự góp mặt của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Các tuyến buýt Hà Nội hiện nay đều được tổ chức kết nối với tuyến metro, do đó mang đến cho người dân nhiều sự lựa chọn khi tham gia giao thông; có thể thuận tiện đi đến các địa điểm khác nhau trong thành phố bằng phương tiện giao thông công cộng. Cuối năm 2022 vừa qua, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cùng Trung tâm quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp tổ chức lễ ra mắt chương trình "Thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến trung tâm thương mại AEON Hà Đông". Với phương án thí điểm này cho phép người dùng sử dụng xe điện 2 bánh miễn phí thông qua phầm mềm quản lý (V-Share) để kết nối hành khách đi xe buýt BRT, xe buýt thường gần khu vực trạm dừng BRT Văn Khê tới trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông và ngược lại. Đây là một trong những nỗ lực của Hà Nội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi lựa chọn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng đến nay, nhìn chung hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô Hà Nội cơ bản mới đảm nhiệm được một phần nhu cầu đi lại của người dân, chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Để giao thông công cộng thực sự phát triển đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng, tăng tính kết nối giữa các loại hình giao thông công cộng, nâng cao chất lượng phục vụ, đến các chính sách ưu tiên đầu tư, qua đó giúp giao thông công cộng có thể phát triển hiệu quả, bền vững.

Thực tế cho thấy, với một đô thị nén như Hà Nội, giao thông công cộng là giải pháp phù hợp nhất để phát triển thành phố theo hướng bền vững, an toàn. Các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng bộc lộ nhiều vấn đề như ùn tắc giao thông và đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí. Trong bối cảnh đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng được coi là giải pháp khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô dù đã được đầu tư song đến nay cơ bản mới đảm nhiệm được một phần nhu cầu đi lại của người dân, chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi. Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, hiện tỷ lệ người dân Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng chưa cao. Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị còn chưa hình thành, chỉ có tuyến độc nhất là Cát Linh - Hà Đông; xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ,... Vì thế, xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính mà người lựa chọn làm phương tiện để đi lại. "Chúng ta không thể ép người dân từ bỏ lựa chọn sử dụng phương tiện cá nhân trong khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt", ông Thủy nói.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều người cho rằng, mạng lưới xe buýt của Hà Nội có nhiều điểm chưa hợp lý khiến một số chuyến đi bị lòng vòng. Bên cạnh đó, tính liên thông, trung chuyển nội mạng còn thiếu, trùng lặp tuyến… Về chất lượng phục vụ, cả lái xe và phụ xe buýt đều còn tồn tại một số vấn đề. Vẫn còn những trường hợp lái xe ẩu, phương tiện cũ… làm giảm tính hấp dẫn của xe buýt. Tình trạng thời gian chuyến đi kéo dài, không đúng giờ cũng khiến xe buýt “mất điểm” đối với một bộ phận hành khách.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết: “Hiện nay, xe buýt Hà Nội mới đáp ứng được gần 18% nhu cầu đi lại. Con số này vẫn còn khiêm tốn vì mục tiêu được đề ra của cả năm 2022 là 23%. Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ tính hợp lý của mạng lưới, chất lượng phục vụ đến chất lượng công tác vận hành”.

Hệ thống xe buýt Hà Nội mới đáp ứng được gần 18% nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: Nam Nguyễn.


Theo ý kiến nhiều chuyên gia, muốn phát triển giao thông công cộng, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải quan tâm phát triển hạ tầng giao thông công cộng, phủ kín mạng lưới, tăng cường tính kết nối giữa các loại hình giao thông công cộng để người dân ở mọi nơi đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng, thuận tiện. Bởi nhìn nhận một cách khách quan, sử dụng phương tiện giao thông công cộng vốn có nhiều lợi thế so với phương tiện cá nhân, như chi phí rẻ hơn, tính an toàn cao hơn… Do đó, nếu việc tiếp cận, sử dụng được thuận tiện, dễ dàng thì đương nhiên người dân sẽ ưu tiên lựa chọn các loại phương tiện giao thông công cộng.

Theo TS Phan Lê Bình, Chuyên gia giao thông, Giảng viên trường Đại học Việt Nhật cho rằng: Ưu tiên cho xe buýt không chỉ là ưu tiên khi hoạt động trên đường, mà điểm dừng, nhà chờ cũng cần được lưu tâm. Hà Nội hiện có rất nhiều vị trí chờ xe buýt nằm cạnh điểm tập kết rác thải, hàng quán, rất mất vệ sinh. Thậm chí, vỉa hè để tiếp cận điểm dừng xe buýt cũng bị lấn chiếm. Cần khảo sát, điều chỉnh lại các điểm dừng để bảo đảm hợp lý hơn.

Song song với việc cải thiện hạ tầng, các cơ quan quản lý cũng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác như tổ chức lại giao thông, tổ chức các bãi đỗ xe, trong đó có khu vực trung tâm thành phố để thuận tiện hơn cho người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Ngành Giao thông vận tải Hà Nội cần tập trung rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả các tuyến xe buýt để có sự điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận của người dân; chú trọng điều chỉnh hướng tuyến, tránh ùn tắc, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng. Đối với các khu vực chưa có xe buýt, nên nghiên cứu mở mới hoặc điều chỉnh lộ trình tuyến theo hướng tăng cơ hội tiếp cận cho người dân. Đồng thời, tiếp tục cải thiện chất lượng hoạt động của xe buýt, nâng cao thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt, khắc phục tình trạng kéo dài thời gian các chuyến đi, xe chạy không đúng giờ… để xe buýt thực sự là phương tiện giao thông công cộng được nhiều người lựa chọn.

Về lâu dài, cần có thêm các chính sách ưu tiên trong đầu tư phát triển giao thông công cộng như ưu tiên quỹ đất cho giao thông công cộng, làm hạ tầng điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, dừng đỗ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng./.

TL