Sáng 6/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố (TP) Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại hội trường về các nội dung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực kinh tế - xã hội; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kết quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Quang cảnh kỳ họp ngày 6/7. 


Rõ trách nhiệm trong phối hợp giữa các sở, ngành với quận, huyện

Các đại biểu cho rằng, 6 tháng qua, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19 và triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều tháng trở lại đây, tạo động lực để hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022.

Đặc biệt, bằng sự nỗ lực của hệ thống chính trị thành phố, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo tiền đề mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thành phố trong tương lai gần.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu huyện Mê Linh) cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, Hà Nội vẫn còn nhiều rào cản về vốn và mặt bằng, dẫn đến các dự án chưa phát huy được như kỳ vọng. Đáng lưu ý, giải ngân đầu tư công là rất yếu kém, con số giải ngân đầu tư công đến ngày 16/6 mới đạt gần 18%, thấp hơn mức trung bình cả nước, trong đó nhiều dự án mới giải ngân dưới 5%. Đây là điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà 6 tháng cuối năm 2022 cần phải có giải pháp cụ thể về nội dung này. Do vậy cần xem xét nguyên nhân, nhất là quy trình thủ tục, năng lực, trách nhiệm của cán bộ. Ngoài ra, Thành phố cần mạnh dạn phân cấp những việc gì quận, huyện làm được và cần có sự tham gia đánh giá của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các quận, huyện.

Nêu trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các phòng ban với quận, huyện, đại biểu Phạm Quang Thanh (tổ đại biểu Sóc Sơn) cho rằng công tác phối hợp trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Có những việc quận huyện vướng mắc nhưng hỏi các sở, ngành thì ý kiến trả lời chưa rõ. Có những việc cần phối hợp của nhiều sở ngành nhưng một vài ý kiến chưa rõ thì tắc lại hết. Rồi một số sở, ngành cho ý kiến bằng văn bản, nhưng khi dự họp lại ý kiến khác... Đây là điểm nghẽn lớn dẫn đến nhiều bất cập, chậm trễ, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đầu tư công, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất... Do đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường sự phối hợp, cải thiện quy trình, quy rõ trách nhiệm và cải cách thủ tục liên quan việc ra quyết định để việc thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn.

Đại biểu Phạm Quang Thanh phát biểu tại kỳ họp. 


Nêu vấn đề công tác đấu giá đất để thu ngân sách địa phương còn chậm, đại biểu Trịnh Xuân Quang (tổ đại biểu Thanh Xuân) cho rằng, Thành phố đã xác định tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về chính sách pháp luật, những nút thắt cần phải tháo gỡ trong xác định giá đất khởi điểm, song, nhiều đơn vị tư vấn e ngại. Nguyên nhân sâu xa là từ những vướng mắc về chính sách pháp luật, phương pháp xác định giá. Thành phố đã có nhóm các giải pháp, trong đó, có kiến nghị Trung ương sửa đổi các chính sách đất đai... Đại biểu cho rằng đây là những đề xuất trúng và đúng. Đồng thời đề nghị, trong 1uý III/2022, Thành phố tập trung hiện thực hóa những đề xuất này để đảm bảo hiệu quả thu ngân sách cho Thành phố.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho rằng, những tháng cuối năm cần đẩy mạnh hơn nữa kinh tế dịch vụ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, mong thành phố quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo thị xã Sơn Tây phát triển mạnh hơn về tuyến phố đi bộ, tạo được không gian đô thị. Sau 2 tháng triển khai, đã đánh giá được thành công của tuyến phố đi bộ, xúc tiến tăng trưởng kinh tế…

Quyết liệt theo phương châm và nguyên tắc "5 rõ"

Tiếp thu, giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Hà Minh Hải cho biết, UBND TP sẽ đẩy mạnh phân rõ trách nhiệm từ cấp Thành phố đến xã phường; phân cấp mạnh mẽ, những nội dung mới thì làm thí điểm, sau đó, đánh giá và trình HĐND nhân rộng, lấy hiệu quả là đánh giá cuối cùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, UBND TP cũng đã nhận diện 8 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế để tập trung khắc phục. Trong đó, đối với tồn tại, hạn chế liên quan đến việc phân cấp uỷ quyền, Thành phố triển khai rất quyết liệt theo phương châm và nguyên tắc "5 rõ". Trong quá trình triển khai thực hiện khối lượng công việc lớn, nhiều việc lớn, do đó, có nhiều nội dung phân công, phân cấp còn chồng chéo dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành bị chậm và tính hiệu quả không cao.

 Bên cạnh đó, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá... đã được Thành phố thường xuyên rà soát, nhưng còn chưa kịp thời theo nguyên tắc thị trường. Công tác phối hợp đã nhận diện qua rất nhiều thời kỳ, giai đoạn nhưng quá trình triển khai vẫn vướng mắc; nên khi có việc liên quan đến nhiều sở, ngành thì việc trả lời theo chức năng chuyên môn chưa rõ, dẫn đến đơn vị tổng hợp khó khăn... Do vậy, trong giao nhiệm vụ thời gian tới, phải rõ người, một việc một đơn vị chịu trách nhiệm chính.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu. 


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, hiện nay, việc tham mưu xây dựng chính sách chưa được tập trung nhiều, chủ yếu vẫn giải quyết sự vụ; việc nhận diện những nội dung còn vướng mắc và đề xuất nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ mất nhiều thời gian, nên phải cần phải có quy trình rút gọn. Tư duy, phương pháp làm việc của một bộ phận cán bộ còn chưa đáp ứng; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.

Về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Thành phố tiếp thu toàn bộ nội dung và nhất là vai trò người đứng đầu để có cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm tra, đôn đốc. Đồng thời, xem xét vấn đề thể chế để tháo gỡ điểm nghẽn và tạo động lực cho phát triển.

Liên quan đến nội dung đấu giá quyền sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện nay, còn 13 quận, huyện chưa tổ chức đấu giá. Thành phố yêu cầu, trong thời gian tới, tiếp tục quản lý chặt việc đấu giá; tăng cường công khai, không hạn chế số lượng hồ sơ tham gia đấu giá và khuyến khích đấu giá trực tuyến. Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu  tư, hiện nay, huyện Thanh Trì đã triển khai thành công, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi bộ hồ sơ mẫu để các quận, huyện tham khảo.

 Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, Nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đã trển khai chạy thử, công suất 800 tấn/ngày đêm, đến tháng 11, sẽ hoàn thành thử nghiệm và chạy đủ công suất 4000 tấn rác thô/ngày đêm, cơ bản xử lý hết lượng rác chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn. Ngoài ra, Thành phố đã khởi công nhà máy điện rác 1.500 tấn, sau 18 tháng hoàn thành. Thành phố cũng tiếp tục chỉ đạo kêu gọi đầu tư, khởi công các nhà máy điện rác khác đã có quy hoạch…/.

Thu Hà