Cử tri Đơn vị bầu cử số 1 phát biểu ý kiến.

 

Chiều 4/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng).

Tham gia tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai đã báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Duyệt báo cáo tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương trong kỳ tiếp xúc trước.

Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đơn vị bầu cử số 1 đánh giá cao chương trình dự kiến và tầm quan trọng của kỳ họp thứ 7. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua những luật quan trọng như Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đường bộ...

Ngoài ra, cử tri còn kiến nghị, đề xuất với Quốc hội như tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; có giải pháp quyết liệt nhằm giảm tiến tới chấm dứt nạn bạo lực học đường; tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính từng bước thận trọng, chắc chắn bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân...

Thay mặt các đại biểu Quốc hội trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội vì Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, trong đó cho phép Hà Nội đầu tư các dự án hạ tầng như cao tốc, cầu... theo quy hoạch có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, các dự án liên tỉnh trong Vùng Thủ đô... Kỳ họp cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để định hướng không gian xây dựng và phát triển Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tiếp thu ý kiến, kiến nghị và trao đổi với cử tri.

 

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, đúng như ý kiến đề nghị, mong muốn của cử tri và nhân dân, thời gian qua, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khơi dậy nguồn lực văn hóa, đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển. Không chỉ là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Thành ủy Hà Nội còn chỉ đạo quyết liệt ưu tiên đầu tư 3 lĩnh vực, trong đó có văn hóa (cùng với y tế, giáo dục - đào tạo) với tổng vốn đầu tư theo kế hoạch đến nay lên tới khoảng 90.000 tỷ đồng.

Nhờ quan tâm phát huy nguồn lực văn hóa, phát triển du lịch (cơ cấu dịch vụ đến nay chiếm tỷ trọng 64 - 66%), trong bối cảnh khó khăn nhất là do đại dịch COVID-19, kinh tế thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng tốt, liên tục là địa phương đứng đầu cả nước về thu nội địa.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần chung trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy là luôn luôn đổi mới. Tới đây sẽ tiếp tục trên tinh thần đó, nhất là đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cho các cấp, các ngành, các quận, huyện, thị xã nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cơ sở.

"Tới đây, thành phố sẽ giao tiếp công viên Bách Thảo (quận Ba Đình) cho quận. Các nội dung công việc khác, các quận, huyện, thị xã cũng sẽ đẩy mạnh phân cấp như vậy. Thành phố chỉ kiểm tra, giám sát việc thực hiện", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Nhóm PV