Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ Hà Nội trong định hướng phát triển giao thông
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông
Trong phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị do Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đã được Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội quan tâm, ưu tiên chỉ đạo tập trung đầu tư, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt như: Xây dựng hoàn thiện 6 đường cao tốc hướng tâm, hoàn thiện toàn bộ và hình thành một số đường vành đai, xây dựng đường sắt đô thị, mở rộng cảng hàng không Quốc tế Nội Bài T2, xây dựng xe buýt nhanh BRT.
Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thể hiện rõ nét bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng từ 0,3 - 0,5% đất đô thị/năm, theo đó đến nay đạt khoảng 9%. Kết quả đạt được đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc giao thông và tại nạn giao thông trên địa bàn, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, TP trong khu vực đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển nhanh của đô thị; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn phổ biến. Nguồn vốn dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhiều công trình có trong kế hoạch không được bố trí vốn nên việc triển khai chậm. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng được điều chỉnh phù hợp và mở rộng nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống bến, bãi đỗ xe vẫn còn thiếu…
Để giao thông Hà Nội phát triển tốt hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hà Nội cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, sớm hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý điều hành trong công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.
Ngoài ra, xây dựng cơ chế đầu tư và hình thức đầu tư mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng (TOD), khai thác quỹ đất tại các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị ...để tạo nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cũng như quản lý khai thác vận hành các tuyến đường sắt đô thị. Xây dựng các phương án và cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư trong thời kỳ 5 năm, hằng năm để cân đối đầu tư phát triển cho nhiệm vụ thực hiện các dự án theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, về đường bộ, giai đoạn đến năm 2025, hoàn thành đầu tư cơ bản kép kín các tuyến đường vành đai, bao gồm vành đai 1, 2, 3. Khởi công đường vành đai 4 trên địa bàn thành phố nhằm gắn việc phát triển hạ tầng giao thông với phát triển đô thị, tách dòng xe quá cảnh không đi qua các đô thị, kéo giãn mật độ dân cư đô thị, tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội. Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ tuyến vành đai 4, toàn bộ các tuyến kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh theo quy hoạch, các tuyến trục chính đô thị chủ yếu; hoàn thành đưa vào khai thác đường vành đai 5. Đầu tư xây dựng và hoàn thành các cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống.
Về đường sắt đô thị, giai đoạn đến năm 2025 hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội). Khởi công tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 2 (Đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nam Thăng Long - Thượng Đình); Tuyến số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai); Tuyến số 4 (đoạn từ Thượng Đình - Hoàng Quốc Việt); Tuyến số 5 (Văn Cao - Vành đai 4); Tuyến số 06 (Nam Thăng Long đến Sân bay Nội Bài); Tuyến số 8 (Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá). Giai đoạn đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm; triển khai thi công và cơ bản hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.
Về hàng không, giai đoạn đến năm 2025 hoàn thành mở rộng nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài và các công trình phụ trợ đạt công suất 15 triệu hành khách/năm. Giai đoạn đến năm 2030 phát triển mở rộng CHKQT Nội Bài về phía Nam cảng hiện hữu theo quy hoạch thông qua việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3, nhà ga hành khách T3, nâng tổng công suất khai thác của CHKQT Nội Bài lên khoảng 60 triệu hành khách/năm.
Về hệ thống giao thông tĩnh, giai đoạn đến năm 2025 hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác sử dụng các bến xe khách liên tỉnh (Yên Sở, Cổ Bi, Sơn Tây, Đông Anh), các bãi đỗ xe ngầm khu vực trong vành đai 3 và một số bãi đỗ xe ngầm, nổi và cao tầng khác trên địa bàn thành phố theo quy hoạch. Giai đoạn đến năm 2030 đầu tư, đưa vào khai thác các bến xe khách liên tỉnh khác (Bến xe Nội Bài, bến xe phía Nam, bến xe phía Tây, bến xe Phùng); cơ bản hoàn thành đầu tư các bãi đỗ xe ngầm, nổi theo quy hoạch.
Phát huy vai trò của tỉnh Bắc Ninh trong Vùng Thủ đô Hà Nội
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan.
Nhất trí cao đối với những nội dung báo cáo, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh khẳng định, trong những năm qua, với tình cảm, trách nhiệm của cả nước vì Hà Nội và với sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung cao của Thành ủy - HĐND - UBND TP, Hà Nội đã phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó có nhiều điểm nhấn quan trọng, với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, thể hiện rõ vai trò là đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
''Các tỉnh trong vùng Thủ đô, trong đó có Bắc Ninh có được phát triển như hôm nay cũng nhờ vào ảnh hưởng lan tỏa đó. Bắc Ninh đã tận dụng được vị trí địa lý gần Hà Nội, phát huy lợi thế so sánh riêng có để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vươn lên nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số kinh tế - xã hội", Bí thư Tỉnh uỷ Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Với quan điểm của Nghị quyết 15 về ''xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển'', tỉnh Bắc Ninh thấy được trách nhiệm với tư cách là tỉnh có vai trò là cực tăng trưởng trong Quy hoạch vùng Thủ đô và đang phát huy vai trò lớn hơn, dần trở thành động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Mặt khác, Bắc Ninh tham gia vào đảm bảo chuỗi liên kết các sản phẩm, không gian đô thị, đảm bảo với vai trò dẫn dắt của Thủ đô. Đây là quan điểm xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, nhằm thực hiện mục tiêu rất quan trọng mà Nghị quyết 15 đã đề ra.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô có thêm động lực mới từ vai trò “đầu tầu” và mối quan hệ trong tổ chức không gian kinh tế và đô thị, nâng cao hiệu quả cho chương trình phát triển đô thị các địa phương theo Nghị quyết số 06 ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045… Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, kỳ vọng tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng
Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước” và Bắc Ninh trở thành đô thị động lực của vùng Thủ đô, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị các vấn đề ưu tiên quan tâm, về nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện Nghị quyết, phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội theo quy hoạch vùng Thủ đô, gia tăng ảnh hưởng lan tỏa của Hà Nội, và mỗi tỉnh tham gia vào chức năng góp phần phát triển Thủ đô bền vững.
Đáng chú ý, phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch: Kết nối hệ thống giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; hệ thống cung cấp nước sạch và sử dụng nguồn nước; quản lý chất lượng môi trường không khí; khu du lịch; phát triển nguồn nhân lực; phát triển các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở nghiên cứu khoa học; các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác phối hợp, đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án liên kết cấp vùng, đặc biệt là dự án đường vành đai 4 (phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 theo tiến độ Nghị quyết 15 đã đề ra)…
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Hồng và các địa bàn giáp ranh giữa hai địa phương; triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, cải thiện môi trường làng nghề, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp quy hoạch hành lang sông Đuống để phát triển an toàn nguồn nước ngọt và phát triển du lịch…
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan Ninh đề nghị Thủ đô Hà Nội triển khai giải pháp, lộ trình chuyển đổi các chức năng trong quy hoạch Vùng thủ đô đã phân khai cho các địa phương, từng bước thực hiện quy hoạch. Quan tâm nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông (phía Hà Nội đi Bắc Ninh hiện nay đã xuống cấp, như: Đường 295B - Cầu Đuống; QL 17 - Gia Lâm - Thuận Thành), phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa giữa các địa phương, tạo ra những động lực phát triển mới khi nâng cấp Quận Gia Lâm và phía Nam sông Đuống tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh khác. Đề xuất nghiên cứu triển khai việc quy hoạch, xây dựng, kết nối tuyến đường sắt đô thị giữa Hà Nội-Bắc Ninh…/.