Quang cảnh kỳ họp ngày 4/7. 

 

Sáng 4/7, kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố (TP) Hà Nội bước vào ngày làm việc thứ hai, xem xét các tờ trình quan trọng.

Đầu giờ sáng, Chủ tọa kỳ họp báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ; UBND TP báo cáo tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến của đại biểu HĐND TP.

Tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ,Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, tại phiên làm việc buổi chiều 3/7, HĐND TP tổ chức thảo luận tại các tổ về 5 nhóm nội dung. Các tổ đại biểu HĐND TP đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, chất lượng với 40 lượt đại biểu phát biểu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND. Các ý kiến thảo luận đã được Thường trực HĐND TP tổng hợp, gửi UBND TP để báo cáo giải trình làm rõ các nội dung và đã được gửi đến các vị đại biểu.

Cụ thể, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách của Thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, các đại biểu đề nghị UBND TP cần đánh giá kỹ hơn một số chỉ tiêu về kinh tế giảm so với cùng kỳ, đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023; đánh giá các cơ chế, chính sách, kế hoạch của Thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư.

Đại biểu HĐND TP Hà Nội cho rằng cần đánh giá kỹ hơn tồn tại vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm, các dự án trọng điểm của Thành phố. Việc thu ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn thấp dẫn đến ảnh hưởng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Làm rõ tiến độ và tính khả thi Chương trình phát triển đô thị, công tác cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; đánh giá việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng...

Đồng thời, các đại biểu HĐND TP cũng nêu nhiều ý kiến, đề xuất, giải pháp để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2023 như: Cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng cuối năm. Có giải pháp cân đối nguồn vốn trong việc không hoàn thành việc thu ngân sách từ nguồn về đấu giá đất. Tiếp tục rà soát, đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra sau phân cấp; thực hiện có hiệu quả đề án khai thác tài sản công. Có chính sách giảm mức thuế, phí, lãi suất ngân hàng. Có các giải pháp cụ thể nhằm tăng hiệu quả kêu gọi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất trên địa bàn thành phố...

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trình bày tổng hợp ý kiến thảo luận tổ. 


 Đại biểu đề nghị UBND TP quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, trong đó có việc rà soát, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường công lập, giảm chênh lệch về chất lượng giữa nội và ngoại thành. Có các giải pháp khẩn trương thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của thành phố, đặc biệt là rà soát xây dựng, hoàn thiện các quy trình, quy chế liên quan đến thủ tục hành chính công...

Đối với nhóm vấn đề đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp Thành phố (Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023; Định hướng kế hoạch đầu tư công Thành phố năm 2024), đại biểu HĐND TP đề nghị UBND TP bổ sung đánh giá việc triển khai kế hoạch đầu tư công gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế theo nghị quyết Đảng bộ Thành phố, trong đó cần phân tích việc cân đối nguồn vốn, thứ tự ưu tiên và các giải pháp cụ thể khi còn nhiều dự án dở dang, nhóm dự án công trình trọng điểm chưa triển khai thực hiện.

Thảo luận về “Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”, đại biểu HĐND TP đề nghị UBND TP có đánh giá, làm rõ hơn của báo cáo với dự phù hợp với Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023.

Các đại biểu cho rằng, cần có đánh giá, phân tích bổ sung vai trò, vị thế của Thủ đô và mối liên hệ vùng trong định hướng Quy hoạch phát triển kinh tế, Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, lĩnh vực, các tỉnh lân cận gắn với dự báo nhu cầu dân số, vai trò các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị phía Tây vành đai 4, đề án lên quận của các huyện; hệ thống kết nối giao thông công cộng; định hướng cụ thể mô hình “thành phố trong thành phố”, trục cảnh quan sông Hồng - sông Đuống; tháo gỡ vướng mắc để khai thác, phát triển không gian hai bên sông Hồng; Khả năng kết nối giao thông hai bên bờ sông Hồng...

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, các đại biểu đề nghị có đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố đã được HĐND chất vấn các kỳ họp gần đây. Trong đó xác định rõ các nguyên nhân, các mốc tiến độ xử lý và các giải pháp cụ thể đối với các nhóm dự án chậm triển khai. Kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai nhiều năm, vi phạm Luật Đất đai, công khai các dự án thu hồi đến các khu dân cư có dự án.

Kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ hạn chế năng lực, không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân

Tiếp thu, giải trình, làm rõ ý kiến thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, để đạt nhiệm vụ rất khó khăn là cả năm 2023 tăng trưởng 7% thì rất cần sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các giải pháp quyết liệt, linh hoạt và sự phấn đấu mạnh mẽ trong từng ngành, từng cấp chính quyền trong triển khai thực hiện kế hoạch.

Về nguồn thu từ đất đai là tồn tại hạn chế năm 2023, thành phố sẽ nỗ lực triển khai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất; nguồn thu từ quỹ đất quy hoạch 2 bên tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; nguồn thu từ phát triển mô hình đô thị TOD và nguồn thu từ quản lý, khai thác tài sản công.

Các khoản thu từ nhà, đất 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đạt thấp so với dự toán và suy giảm mạnh so với cùng kỳ, đồng chí Hà Minh Hải cho biết, UBND TP trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tập trung chỉ đạo, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền hướng dẫn xử lý đối với những nội dung vượt thẩm quyền) trong công tác quản lý thu tiền sử dụng đất nói chung và đặc biệt là trong công tác đấu giá đất làm cơ sở tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá theo kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP khóa XVI sáng 4/7.


Về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp thành phố, điều chỉnh Kế hoạch năm 2023 và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024, thành phố cần thiết có cơ chế đặc thù để khắc phục tình trạng chậm trễ trong triển khai công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị tốt cho các dự án giai đoạn sau, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố giai đoạn 2026-2030.

Đồng chí Hà Minh Hải khẳng định: Xác định đây là một trong những chính sách đặc thù, đột phá của thành phố trong thời gian tới, nhất là để chuẩn bị thực hiện đối với các dự án trọng tâm, trọng điểm, dân sinh bức xúc, UBND TP sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm rà soát để đề xuất, bổ sung vào cơ chế chính sách trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất thêm những giải pháp phù hợp, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngay sau kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố, UBND thành phố sẽ chỉ đạo xây dựng, ban hành 3 kế hoạch: Kế hoạch giải ngân 6 tháng cuối năm 2023, Kế hoạch triển khai công trình trọng điểm, Kế hoạch công nhận mới và công nhận lại các trường học công lập đạt chuẩn giai đoạn 2023-2025; xem xét, giao chỉ tiêu trường học công lập công nhận lại năm 2023 trong quý III. Đồng thời, nghiên cứu để xây dựng Kế hoạch đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2026-2030.

Đáng chú ý, Thành phố tiếp tục quán triệt tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để cho cấp gần nhất, xử lý công việc thuận lợi nhất, đẩy mạnh thủ tục hành chính hướng về cơ sở.

Đối với nội dung đề xuất HĐND TP giao HĐND cấp huyện xem xét, quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương trong trường hợp các dự án cấp huyện, cấp xã có thời gian bố trí vốn thực hiện quá thời hạn quy định (dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm), UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu báo cáo HĐND TP giao HĐND cấp huyện xem xét, quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương trong trường hợp các dự án cấp huyện có thời gian bố trí vốn thực hiện quá thời hạn quy định là phù hợp với thực tiễn hiện nay tại các địa phương, đơn vị, góp phần giảm thủ tục hành chính, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.

UBND TP xác định tiếp tục tập trung hoàn thành 3 nội dung quan trọng trong năm 2023: Xây dựng Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô, Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm xây dựng thể chế phát triển đồng bộ. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, hạ tầng khoa học công nghệ, chú trọng đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng…

Thành phố tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.

Tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, các nội dung phân cấp ủy quyền, quy chế, quy trình liên thông, quy trình nội bộ ngoài thủ tục hành chính. Đồng thời xây dựng các phần mềm liên thông theo các nhóm công việc (để quản lý các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, thì chi ngân sách liên quan đến các bộ phận ở cấp quận, huyện, xã phường....). Tập trung xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức đơn giá để phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới tiết kiệm, hiệu quả để bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ và quản lý theo kết quả sản phẩm đầu ra.

Đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh: “Cuối cùng, khâu quan trọng mang tính quyết định nhất là con người, trong đó việc lựa chọn người đứng đầu là quan trọng nhất. Do đó, ở các bộ phận, đơn vị cần làm tốt việc lựa chọn người đứng đầu theo phương châm “Chọn đúng người - trao niềm tin - cho điểm tựa - đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng”.

Ngoài ra, cùng với việc rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách, phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, xây dựng các quy trình liên thông, bảo đảm các điều kiện làm việc, môi trường làm việc và cơ chế bảo vệ khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ dám làm..., UBND TP Hà Nội sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền, hỗ trợ và kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ công chức hạn chế năng lực, không có tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân vì mục tiêu chung./.

Thu Hà