Đoàn chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường trực HĐND TP Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Đây là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc. Đây cũng là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng và rất thiết thực.

Xác định ý nghĩa đó, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, các cấp, các ngành của thành phố đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Đến nay, thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn đã được thành phố quan tâm, tập trung đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng lên.

Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND TP, các Ban HĐND TP và qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri phản ánh với đại biểu HĐND TP có thể thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số hạn chế, khó khăn, bất cập, đặc biệt là trong việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.


Tại phiên chất vấn, 21 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 7 lượt đại biểu tranh luận, tái chất vấn. 


Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thị trường chưa ổn định, khó khăn về giá tiêu thụ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập của người nông dân. Các tồn tại, vướng mắc trong thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, đất đai, chưa khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách còn chậm trễ, chưa kịp thời vì vậy chưa có nhiều kết quả rõ nét; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Công tác triển khai một số chỉ tiêu quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, chưa phù hợp, cần sớm được rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển, kinh doanh; xây dựng chuỗi liên kết, xuất nhập khẩu và các mô hình phát triển kinh tế lĩnh vực nông nghiệp còn một số hạn chế nhất định, rất cần các giải pháp hữu hiệu hơn.

“Đây là những vấn đề quan trọng, cấp thiết, liên quan đến phương thức triển khai kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của một bộ phận lớn người nông dân của Thủ đô. Đây cũng là nội dung được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành uỷ rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian qua”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn, 21 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 7 lượt đại biểu tranh luận, tái chất vấn chỉ rõ trên địa bàn thành phố nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi triển khai các dự án phi nông nghiệp, nhưng dự án chưa thực hiện, chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, người nông dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất hoặc tình trạng người dân không mặn mà với đồng ruộng để đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai. Toàn thành phố vẫn còn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng.

Các đại biểu cũng cảnh báo tình trạng xuất hiện rất nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng và yêu cầu các địa phương làm rõ trách nhiệm trong quản lý, xử lý...

Cùng với đó, vấn đề khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khu giết mổ tập trung cũng được các đại biểu đề cập và đề nghị thành phố phải có giải pháp về cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, các vấn đề được nêu tại phiên chất vấn đều đúng và trúng, được cử tri quan tâm. Qua đó, đại biểu và các thành viên UBND TP đã cùng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế để UBND TP, các sở, ngành, quận, huyện nhận diện rõ vấn đề, có giải pháp giải quyết triệt để.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh báo cáo tiếp thu giải trình tại phiên chất vấn. 


Chủ tịch UBND TP cũng cho biết thêm, kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hà Nội thời gian qua đã đạt những thành tựu cơ bản; thành phố lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế thực hiện. Cả hệ thống chính trị có sự quan tâm đầy đủ, kịp thời với lĩnh vực này. Phiên chất vấn đã thể hiện, nêu rõ những tâm tư, nguyện vọng của nông dân, cử tri với lĩnh vực nông nghiệp… Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, nông nghiệp ở Hà Nội chưa phát triển được như mong muốn, công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm...

Đối với các vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp do vướng quy định luật và đang được sửa đổi, Chủ tịch UBND TP cho rằng, việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp cần có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện. Về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các đơn vị rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND TP xem xét. 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các thành viên UBND TP, lãnh đạo địa phương tham gia trả lời chất vấn cơ bản nắm chắc nội dung, giải trình cụ thể, báo cáo, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục. Thường trực HĐND TP tán thành với các giải pháp, cam kết của các đồng chí tại phiên chất vấn. Kết quả phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được Thường trực HĐND TP lựa chọn là “đúng và trúng”, thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố, được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Căn cứ kết quả phiên chất vấn, Thường trực HĐND TP sẽ ban hành Kết luận về chất vấn làm căn cứ để tổ chức thực hiện, đồng thời phân công các ban HĐND TP theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện./.

Nhóm PV