Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) tại số 83 Nguyễn Chí Thanh và trụ sở mới tại số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội.
Mới đây, trong báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị gửi các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố (TP) Hà Nội. Báo cáo cho biết, Bộ đã thực hiện rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan đoàn thể Trung ương để xây dựng các phương án quy hoạch cụ thể. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ, ngành theo đề xuất của Bộ Xây dựng, trong đó chỉ đạo tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35 ha và một phần tại khu vực Mễ Trì.
Phương án di dời đưa ra gồm 2 nhóm: Nhóm 1 là các cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ, bao gồm 23 cơ quan; nhóm 2 gồm các cơ quan đề xuất di dời gồm 13 đơn vị.
Dù đã có phương án cụ thể nhưng trên thực tế việc di dời vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đó là ngoài việc chậm triển khai các dự án di dời, thì các bộ, ngành chưa quan tâm thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch, xây dựng các đề án di dời. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất đến từ nguồn lực. Bởi trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn khó khăn, công tác di dời các cơ sở ra khỏi nội đô lại đòi hỏi nhu cầu vốn rất lớn, trong khi đó lại chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách.
Nhìn nhận vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Đoàn Vĩnh Phúc) thông tin, việc bố trí trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 288 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với 45 tỉnh, thành thuộc diện có đơn vị hành chính cần sắp xếp lại còn nhiều bất cập. Một số cơ quan ngành dọc của địa phương sau khi đã được tỉnh bố trí xây dựng trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương quản lý, sử dụng nhiều khu đất có vị trí đắc địa giá trị lớn ở khu vực trung tâm nhưng lại bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu Mạnh cũng cho rằng nguyên nhân chính là do công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài. “Chính việc thiếu quyết liệt, quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của các cấp có thẩm quyền vẫn là chủ yếu” – đại biểu Mạnh phát biểu.
Trở lại với Hà Nội, vì sao thành phố chậm giãn dân phố cổ, di dời các bộ, ngành và kể cả các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô? Như đã nói, đây là một công việc đồ sộ, quy mô lớn, tốn nhiều kinh phí và đòi hỏi thời gian. Nhưng, quan trọng vẫn là sự thiếu quyết liệt, nể nang nên dẫn đến tình trạng “án binh bất động” từ năm này sang năm khác. Đáng lưu ý có tình trạng “có mới” nhưng không “bỏ cũ”. Một số cơ quan đã di dời ra khỏi nội đô nhưng nhất quyết không bàn giao mặt bằng, vẫn giữ “khư khư” lại trụ sở cũ.
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng, việc di dời trụ sở ra khỏi nội đô sẽ tạo quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh. Việc di dời này cũng kéo theo khoảng 100 ngàn người ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, thực tế triển khai không đơn giản, cần nâng cao trách nhiệm của Hà Nội và sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng hệ thống chính trị với quyết tâm cao.
Một số chuyên gia lĩnh vực xây dựng cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước đang rất khó khăn như hiện nay và trong tương lai gần, việc đặt phương án di dời tổng thể toàn bộ hệ thống trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành trung ương là không khả thi về phương án triển khai. Do vậy, chỉ nên xác định phương án cụ thể cho từng cơ sở theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt. Việc chia nhỏ, xử lý từng cơ sở, đồng thời huy động đa dạng nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách sẽ khả thi về huy động nguồn lực...
Đối với Hà Nội là nơi hưởng lợi từ đề án thực hiện di dời, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, thành phố cần dùng các nguồn lực, cơ chế của thành phố để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án. Đặc biệt, cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi, với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua, sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.
Đáng lưu ý, với những giải pháp sử dụng cơ sở cũ, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, cần thực hiện theo nguyên tắc không được chất tải thêm đối với hạ tầng đô thị, không thu hút thêm dân số, lao động so với trước đây. Việc này cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu là di dời nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, mang lại hiệu quả tối ưu cho đô thị Hà Nội.
Trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh đến việc các bộ, ngành trung ương và TP Hà Nội cần thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia, xác định danh mục cần di dời, lộ trình di dời, biện pháp thực hiện, đồng thời xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ di dời, đảm bảo đúng nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với đó, các Bộ: Y tế, Giáo dục và đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội cần khẩn trương hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, danh mục di dời cũng như việc sử dụng quỹ đất sau di dời. Bộ Tài chính tăng cường sự phối hợp của bộ, ngành, TP Hà Nội xây dựng chính sách di dời đảm bảo mục tiêu của Chính phủ.
Mặt khác, TP Hà Nội khẩn trương thực hiện, rà soát, lập nhiệm vụ, đồ án chỉnh sửa quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị, xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu kiến trúc, cảnh quan đô thị, bảo vệ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc… Và điều quan trọng nhất là cần dành nguồn lực để thực hiện công tác di dời.
Với các biện pháp đồng bộ nêu trên, liệu câu chuyện cũ mấy thập kỷ nhưng mỗi lần đề cập vẫn “nóng” này liệu có “xuôi chèo mát mái”? Câu trả lời xin gửi đến các cơ quan, đơn vị chức năng./.