PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.
Chiều 28/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Góp ý tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và tác động lớn trong đời sống nhân dân. Luật Đất đai (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Các đại biểu bày tỏ, Luật Đất đai (sửa đổi) còn nhiều điểm cần được rà soát kỹ hơn, cụ thể hơn nhằm tạo sự thống nhất giữa các nội dung của luật này và các luật khác có liên quan để đảm bảo tính khả thi. Việc điều chỉnh quy hoạch đất đai phải thống nhất, tối thiểu là 5 năm; cần có những quy định nghiêm hơn về việc điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch. Để khắc phục những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 và lấy được nhiều ý kiến người dân, cơ quan chức năng phải có phương pháp thu thập, lắng nghe ý kiến Nhân dân, trong đó có người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh...
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đề nghị, việc quy định đất phải có định kỳ, có thời gian rà soát cụ thể. Việc điều chỉnh quy hoạch phải thống nhất, tối thiểu là 5 năm; đồng thời, cần có những quy định chặt chẽ hơn về việc điều chỉnh quy hoạch để hạn chế tình trạng tự do, tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch mà nhiều đô thị, trong đó, có Hà Nội đã phải trả giá. Bên cạnh đó, cần công bố công khai các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi phê duyệt; tuyên truyền đến nhân dân và lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân. Do vậy, để đảm bảo chặt chẽ và thận trọng nên quy định có một khoảng thời gian kể từ khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt mới được tiến hành ra quyết định thu hồi đất.
PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cũng đồng tình đây là một bộ Luật khó, phức tạp nhưng vô cùng quan trọng, có lẽ chỉ sau Hiến pháp vì liên quan đến mọi người dân và cũng có đến 90% các bức xúc, khiếu kiện, tranh chấp của người dân trong thời gian qua có nguồn gốc từ đất đai. Chính vì vậy, Quốc hội có chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của người dân là rất đúng, cần thiết để khắc phục những khiếm khuyết, bất cập của Luật Đất đai 2013, bởi theo bà, khi làm chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của đa số người dân. Muốn lấy được nhiều ý kiến người dân thì phải có phương pháp thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân, kể cả những người nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh để nắm bắt bắt được các yêu cầu cụ thể.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp tích cực triển khai rộng rãi với nhiều hình thức. Đến ngày 28/2/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam 19 quận, huyện, thị xã đã tổ chức hội nghị với 175 ý kiến góp ý trực tiếp và 152 ý kiến góp ý bằng văn bản; Ủy ban MTTQ Việt Nam 521 xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đã ghi nhận hơn 2.000 ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật.
Với tinh thần dân chủ, công khai, chất lượng, thiết thực, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, đồng chí Nguyễn Lan Hương cho biết, các ý kiến đã thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và toàn dân đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai mới. Những ý kiến tâm huyết nhất, khoa học nhất sẽ được tổng hợp, chắt lọc để phản ánh và báo cáo lên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan soạn thảo./,