Định hướng điều chỉnh của Thủ đô Hà Nội cơ bản kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt.  


Trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi vào tháng 5/2024

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ TP. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Ban Cán sự Đảng UBND TP đã chủ động triển khai các quy trình theo quy định.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hai lần cho ý kiến đối với các Báo cáo liên quan đến việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô do Ban cán sự đảng UBND TP trình bày. Tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Cán sự Đảng UBND TP đã chỉ đạo UBND TP hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Bộ Tư pháp thẩm định, báo cáo Chính phủ.

Tại phiên họp tháng 2/2023, Chính phủ đã đánh giá cao và cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách như trong đề nghị xây dựng Luật; thống nhất sự cần thiết ban hành dự án Luật này nhằm xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đặc thù của Thủ đô.

Hiện nay, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 05/2023). Để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) theo quy trình 2 kỳ họp; ngày 02/3/2023, Thường trực Thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư Pháp để thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; trong đó đã giao Ban cán sự đảng UBND TP trong thời gian chờ Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ động triển khai nghiên cứu, tổ chức soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để kịp tiến độ tiến hành các bước tiếp thu, hoàn thiện, thẩm định, thẩm tra theo quy định.

Cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm đối với 12 vấn đề

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 12 khóa XVII, thay mặt Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề xuất, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến đối với 12 vấn đề về hoạt động phối hợp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn thông tin tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 12 khóa XVII.


Đáng chú ý, về mô hình thành phố thuộc Thủ đô, các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị làm rõ mô hình, tổ chức bộ máy chính quyền của TP thuộc Thủ đô; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của HĐND, UBND TP trực thuộc Thủ đô có nội dung gì đặc thù theo chức năng của từng đô thị cần được phân quyền cao hơn so với các đơn vị quận, huyện. Cần giải trình sự cần thiết, vấn đề đặc thù, vượt trội phải quy định trong Luật Thủ đô...

Về việc thành lập các cơ quan chuyên môn đặc thù cấp TP, cấp huyện, cần xác định cụ thể về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của các cơ quan chuyên môn đặc thù mà TP dự kiến sẽ thành lập. Về số lượng đại biểu chuyên trách HĐND TP, cần xác định rõ số lượng phù hợp với điều kiện đặc thù, vị trí, vai trò của Thủ đô và định hướng chỉ đạo của Trung ương, cần giải trình, thuyết minh rõ về sự cần thiết phải tăng số lượng đại biểu, lượng đại biểu chuyên trách trong khi mô hình tổ chức chính quyền giữ nguyên theo Nghị quyết số 97, so sánh với tương quan cơ cấu tổ chức HĐND tại TP Hồ Chí Minh (Hiện HĐND TP đề nghị tăng số lượng từ 95 lên 125 đại biểu, tỷ lệ chuyên trách 30%).

Về quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân thuộc TP được quyền: “Tuyển dụng, bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống và chịu trách nhiệm cá nhân về việc tuyển dụng, bổ nhiệm và chất lượng đội ngũ công chức, viên chức thuộc quyền quản lý", còn có nhiều ý kiến băn khoăn, đặc biệt là việc đảm bảo nguyên tắc, các quy định của Đảng trong công tác cán bộ.

Đáng chú ý, quy định cụ thể các biện pháp về xây dựng lại chung cư cũ, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Quy định rõ ràng các vấn đề về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cần mô hình đầu tư mới như thế nào, có sử dụng hình thức BT không, và việc quy định cụ thể trong trường hợp tiếp tục đưa vào dự thảo Luật; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa nhà nước – nhà đầu tư – người dân trong các dự án; vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Ngoài ra, trong dự thảo Luật còn nhiều vấn đề về khái niệm như: đô thị vệ tinh, đô thị trung tâm, nội đô lịch sử, đô thị thông minh, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD),... cũng cần được xác định rõ hơn, làm căn cứ cho việc quy định các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật...

Tăng tính chủ động, tính tự chủ, giải quyết các điểm nghẽn

Thảo luận tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII diễn ra vừa qua, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế vượt trội để tạo hành lang pháp lý cho Thủ đô phát triển xứng đáng với vị trí, vai trò như đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  Hà Nội Lê Anh Quân nêu ý kiến, khó khăn rất lớn trong phát triển Thủ đô hiện nay chính là nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng. Nếu không có cơ chế vượt trội để thu hút các nguồn lực xã hội rất khó giải quyết. Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhất định phải đưa vào các quy định để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để thu hút mạnh các nguồn lực xã hội, trong đó có việc tiếp tục triển khai các hình thức đầu tư, như BT, PPP (đối tác công tư)...

Liên quan đến việc khai thác quỹ đất hai bên sông Hồng, một số đại biểu đề xuất cho phép lập quy hoạch đê điều tại những tuyến sông có đê để quản lý khai thác hiệu quả hơn, nhất là với khu vực nội đô lịch sử, tạo cảnh quan hai bên sông Hồng… để tiếp thu vào dự thảo luật…

Một số đại biểu cũng nêu ý kiến về tỷ lệ đất để xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp để làm kho bãi, nơi chế biến, bảo quản nông sản; duy trì bảo dưỡng công trình, tài sản công; đãi ngộ nghệ nhân thủ công làng nghề, trùng tu di sản văn hóa; xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; phát triển nhà ở xã hội...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị.


Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá rõ hơn cả về lý luận, thực tiễn và pháp lý; làm rõ được những yếu tố tác động, mặt tích cực, tiêu cực của từng phương án; qua đó so sánh, lựa chọn được phương án, giải pháp phù hợp nhất với đặc điểm, tình hình và vị thế của Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, từ kết quả nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua; những văn bản tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ (như trong việc triển khai dự án đường vành đai 4), qua đó nghiên cứu, chọn lọc những nội dung phát huy tốt được hiệu quả trong thực tiễn để đưa vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đồng thời, Hà Nội cần bám sát quá trình xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu, chọn lọc những chính sách đặc thù, có sự tương đồng giữa hai thành phố lớn, đô thị đặc biệt của cả nước./.

Thu Hà