Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn thăm, động viên sản xuất đầu năm tại Làng nghề sơn mài Hạ Thái. 


Ngày 9/2, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đến thăm, chúc Tết và động viên sản xuất đầu năm tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.

Cùng tham gia đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Báo cáo về hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, nên giá trị sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp của huyện vẫn ổn định. Huyện có 11 cụm công nghiệp với hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp; hơn 100 làng nghề truyền thống, trong đó, gần 50 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề truyền thống; đặc biệt, Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái là làng nghề tiêu biểu cấp thành phố.

Động viên, chúc Tết, trao tặng quà của Thành ủy - HĐND - UBND – Uỷ ban MTTQ TP cho các nghệ nhân, người lao động đang làm việc tại làng nghề, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chúc mừng những kết quả đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây ngày càng khởi sắc. Đồng thời nhấn mạnh: TP Hà Nội hiện có hơn 1.300 làng nghề trong đó tại huyện Thường Tín có nhiều làng nghề đã có bề dày truyền thống nổi tiếng gần xa.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị, bước vào năm mới, các cơ sở sản xuất trong làng nghề sơn mài Hạ Thái nói riêng và tại huyện Thường Tín cũng như trên toàn TP Hà Nội nói chung cần bắt tay ngay vào sản xuất với khí thế làm việc khẩn trương, vừa đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động, nhân dân địa phương, vừa góp phần gắn kết phát triển du lịch.

“Chính quyền địa phương cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển, tạo ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng. Qua đó, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế của huyện và thành phố nói chung. Đồng thời, cần rà soát toàn bộ để ngày càng tạo điều kiện tốt chăm lo cho sản xuất, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề tại các làng nghề, để không những bảo tồn nghề truyền thống mà còn phát triển đưa các sản phẩm vươn ra xuất khẩu sang những thị trường rộng lớn hơn” - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nêu rõ.

Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn dự lễ gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên; chương trình khai bút và tôn vinh hoạt động sản xuất các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, với mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống, gắn với du lịch làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tri ân các vị tổ nghề, thời gian qua, huyện Thường Tín luôn coi trọng việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề, lấy đó làm động lực để xây dựng huyện ngày càng văn minh giàu đẹp. Đặc biệt, huyện đã chọn ngày 9 tháng Giêng hằng năm tại Văn Từ Thượng Phúc tổ chức lễ khai bút và sản xuất tại các làng nghề truyền thống như là hiệu lệnh, tiếng trống thúc giục cho sự khởi đầu một năm mới.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội và huyện Thường Tín gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên. 


Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, mảnh đất Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay) nằm trên đường thiên lý Bắc - Nam, là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long, là nơi hun đúc khí tốt, nơi hội tụ tinh anh rạng rỡ, sinh ra nhiều bậc hào kiệt, phát tích ra những bậc đại khoa có tiếng tăm lừng lẫy như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên... Nhiều gia đình, dòng họ nối đời thi đỗ làm quan, có những gia đình nối đời thư hương rạng danh sử sách, giúp ích cho cơ nghiệp quốc gia vẻ vang thiên cổ. Việc gắn biển tên đường các vị tiền nhân, tiên hiền, văn sĩ thể hiện việc huyện Thường Tín luôn chú trọng việc học, coi trọng đạo đức, bồi dưỡng hiền tài, hun đúc, giữ gìn phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.

Nhân dịp này, huyện Thường Tín đã vinh danh, khen thưởng 7 nghệ nhân tiêu biểu và nhiều tập thể, cá nhân khác đã có thành tích cao trong giữ gìn, bảo tồn các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Sau khi dâng hương, khai bút đầu Xuân và chứng kiến hoạt động sản xuất của làng nghề truyền thống, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng lãnh đạo UBND TP đã tham gia lễ gắn biển tên đường Lý Tử Tấn và Dương Trực Nguyên. 

Đường Dương Trực Nguyên dài 1.580m, rộng 16,5m, từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín đến cầu Thụy Ứng, xã Hòa Bình. Đường Lý Tử Tấn dài 1.430m, rộng 7,5m đoạn từ ngã ba giao cắt đường Dương Trực Nguyên tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín đến ngã ba giao cắt đường liên xã Văn Bình - Hòa Bình cạnh trạm điện 550kV./.

Trọng Toàn