Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội tuyên truyền kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho người dân tại huyện Ba Vì.


Đồng bộ giải pháp


Ngay sau khi có Quyết định số 1898/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND để thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025”. Từ năm 2019 đến nay, thành phố (TP) Hà Nội đã bố trí 2,36 tỷ đồng để thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND.

Theo Kế hoạch số 20/KH-UBND, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 80% số hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 100% học sinh các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới; 100% cán bộ làm công tác dân tộc tại các địa phương được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới…

Đáng chú ý, trên cơ sở nguồn vốn thành phố phân bổ, 5 huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tổ chức 94 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; 78 chương trình truyền thông dưới nhiều hình thức, cùng 28 buổi tư vấn pháp luật về bình đẳng giới cho hàng chục ngàn cán bộ làm công tác dân tộc và đông đảo đồng bào vùng DTTS.

Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND về triển khai dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em; góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi của thủ đô Hà Nội.

Đối tượng thụ hưởng của dự án là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của thủ đô Hà Nội, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.

Địa bàn thực hiện dự án tại 14 xã thuộc 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thủ đô Hà Nội gồm: Huyện Ba Vì: xã Khánh Thượng, xã Minh Quang, xã Ba Vì, xã Ba Trại, xã Tản Lĩnh, xã Vân Hòa, xã Yên Bài; huyện Thạch Thất: Xã Yên Trung, xã Yên Bình, xã Tiến Xuân; huyện Quốc Oai: Xã Phú Mãn, xã Đông Xuân; huyện Chương Mỹ: Xã Trần Phú; huyện Mỹ Đức: Xã An Phú.

Với Kế hoạch này, Hà Nội bố trí khoảng 9,5 tỷ đồng để tổ chức triển khai 5 nhóm đề án, nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới; tuyên truyền nâng cao nhận thức bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ vùng DTTS; xây dựng nhà tạm lánh, địa chỉ tin cậy; đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ và tổ chức dạy nghề cho phụ nữ vùng DTTS.

Đáng chú ý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị liên quan, nòng cốt là Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với các ngành, tổ chức hội, đoàn thể quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho người dân ở cộng đồng, ưu tiên đối tượng tham gia là nam giới.

Xóa định kiến, khoảng cách về giới trong đồng bào dân tộc

Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống tập trung, công tác bình đẳng giới được các cấp chính quyền xã An Phú (huyện Mỹ Đức) hết sức coi trọng. Từ năm 2018 đến nay, địa phương đã tổ chức 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác dân số và đồng bào dân tộc.

Hai chương trình truyền thông lớn cũng đã được huyện Mỹ Đức tổ chức, giúp nhận thức của DTTS không ngừng được nâng cao. Kết quả trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã An Phú không xảy ra bất cứ vụ bạo lực giới, bạo lực gia đình hoặc buôn bán phụ nữ, trẻ em nào.

Tương tự, tại hai huyện Thạch Thất và Quốc Oai, những năm gần đây cũng không ghi nhận các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình hiện vẫn xảy ra tại đại bàn một số huyện, nhưng đa phần các vụ việc sau đó đều được tổ hòa giải địa phương giải quyết ổn thỏa.

Thông qua nhiều hội nghị tập huấn được tổ chức tại cộng đồng từ đầu năm 2022 đến nay, nhận thức về giới của một bộ phận người dân chuyển biến tích cực. Ông Nguyễn Văn An, ở xã Vật Lại (huyện Ba Vì) chia sẻ: Tham gia hội nghị về bình đẳng giới, chúng tôi hiểu rõ hơn vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội, còn hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật.

Còn chị Trần Thị Ngạn, xã Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) cho biết: Tham gia tập huấn, nếu bản thân không may bị bạo lực hoặc nhìn thấy những người xung quanh bị bạo lực, thay vì im lặng, chúng tôi sẽ lên tiếng phản ánh với các cơ quan chức năng.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc Hà Nội, ngoài một số vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, các chỉ tiêu về chăm sóc, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới của thành phố đều đạt và vượt. Công tác hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới và phòng, chống mua bán người được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Các mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Thủ đô cơ bản hoàn thành.

Phó Trưởng Ban Dân tộc Hà Nội Nguyễn Phúc Hải cho biết, thời gian tới, Ban sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu về giới trong gia đình và cộng đồng, cùng những tập tục văn hóa có hại.

Ban Dân tộc Hà Nội cũng sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Đây được xem là đội ngũ đóng vai trò thực thi quan trọng đối với mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 20/KH-UBND, cụ thể hoá Quyết định số 1898/QĐ-TTg, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2022 – 2025 là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Hà Nội về công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các địa bàn còn phức tạp thuộc vùng dtts và miền núi của Thủ đô.

Hà Nội cũng sẽ duy trì triển khai thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em, phụ nữ bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bình đẳng giới tại các địa phương để kịp thời có những giải pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, hạn chế, vi phạm ngay từ cơ sở./.

Trung Anh