Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc. 


Ngày 8/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU của Thành uỷ về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì về kết quả thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5.580 tỷ đồng (bằng 41,79% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ).

Huyện chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa Vietgap tại 4 xã với tổng diện tích là 40ha; mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Vạn Thắng, với tổng diện tích là 2ha và nhiều mô hình kinh tế hiệu quả khác. Tổng sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là 138 sản phẩm (66 sản phẩm 3 sao; 72 sản phẩm 4 sao).

Đối với xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 30/30 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2022, huyện có 4/30 xã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang tập trung rà soát các tiêu chí về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và tổng điểm tự đánh giá đạt 57/100 điểm.

Hiện nay có 28/31 xã, thị trấn (chiếm 90,32% số xã, thị trấn) được tiếp cận hệ thống nước sạch tập trung, với trên 51,77% số hộ gia đình đang sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. 3 xã miền núi: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì đang sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tự chảy đảm bảo chất nước với 50,12% số hộ gia đình đang sử dụng (đáp ứng yêu cầu tiêu chí huyện nông thôn mới về nước sạch)…

Để hoàn thành mục tiêu chương trình công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của huyện năm 2023, huyện Ba Vì đề nghị thành phố ưu tiên, hỗ trợ kinh phí kịp thời để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng trong đối với 5 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2023. Các quận nội thành quan tâm và hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng các tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa.

Huyện đề nghị thành phố sớm ban hành hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên đất nông nghiệp để làm cơ sở triển khai, tạo điều kiện cho Nhân dân chuyển đổi, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn; có chính sách và mời gọi các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện như: Bò sữa, bò thịt, đà điểu, gà đồi, chuối, khoai lang Đồng Thái;

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, Ba Vì phải tập trung theo hướng lấy dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn; tiếp tục phát huy các giá trị trong sản xuất nông nghiệp, văn hóa trong đồng bào dân tộc miền núi; lựa chọn làm điểm khu cụm công nghiệp để tạo đà phát triển dài hạn. Huyện phải tập trung rà soát từng nội dung để khi Quy hoạch được phê duyệt có thể phát huy được ngay. Cụ thể, về phát triển dịch vụ, du lịch phải xác định đây là định hướng dài hơi, cần phải đưa vào quy hoạch để phát triển dài hạn. Đồng thời, tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, gắn với xây dựng các mô hình nông nghiệp kết với phát triển du lịch, phát huy thêm truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi để thúc đẩy du lịch. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thăm dây chuyền sản xuất sữa của Nhà máy Sữa Quốc tế IDC (huyện Ba Vì). 


Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, Ba Vì đã bám rất chắc chủ trương của Thành ủy để triển khai các nhiệm vụ, cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện đã xây dựng các vùng sản xuất tập trung, phát triển thương mại dịch vụ gắn với phát triển du lịch. Huyện cũng đã tập trung hoàn thành các mục tiêu còn khó khăn như: Chỉ tiêu người dân sử dụng nước sạch và phát triển vùng sản xuất…

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến chỉ rõ những việc Ba Vì cũng đang gặp nhiều khó khăn như xây dựng các mô hình điển hình về trồng trọt, chăn nuôi, quản lý đất đai, xây dựng chuỗi liên kết…, nhất là phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, hiện thành phố đã có chủ trương phát triển trục Hồ Tây - Ba Vì. Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn, song Ba Vì đủ điều kiện để phát triển thành huyện mẫu mực về phát triển nông nghiệp - nông thôn của Thủ đô. Nhiều di tích lịch sử của huyện cũng đã được thành phố đầu tư và phát triển xứng tầm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh… Vì vậy, huyện cần tận dụng các tiềm năng, thế mạnh; đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về du lịch, văn hóa, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển.

Nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì tập trung hoàn thiện hồ sơ xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, coi du lịch là hướng phát triển mũi nhọn.

Cùng với đó, phải hoàn thiện các nội dung liên quan đến chỉ tiêu nước sạch, các vấn đề liên quan đến xã đảo Minh Châu và các xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Song hành với đó, phải rà soát quy hoạch để phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề; tập trung xóa đói giảm nghèo, phát triển khu vực miền núi và dân tộc thiểu số…

Trước buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn đã đi thăm Nhà máy Sữa quốc tế IDP và Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn, đều thuộc xã Tản Lĩnh./.

Tú Linh