Quang cảnh Hội nghị.

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị quan trọng ngày hôm nay, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị nghiêm túc các Báo cáo, Tờ trình và các văn bản có liên quan, đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy để trình ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP ngày hôm nay.

Đề cập đến Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, để các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn và nhu cầu xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô trong dài hạn, đồng chí đề nghị các đại biểu với kinh nghiệm thực tiễn từ cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực quản lý của mình để đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và góp ý trực tiếp vào các chính sách nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi; tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo.

Trong đó cần bàn kỹ, bàn sâu các nhóm chính sách liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, đảm bảo làm sao hệ thống chính trị của TP phải thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho TP trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua; nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô...

Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu thể hiện rõ quan điểm đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Ban cán sự đảng UBND TP xin ý kiến Hội nghị như: Việc thành lập công ty đầu tư tài chính và kinh doanh vốn Nhà nước thuộc TP; việc TP được quy định tăng thuế và ban hành mới một số loại phí để điều tiết tiêu dùng; việc thành lập các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhà nước thuộc TP như: Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử; quỹ bảo vệ di sản văn hóa…; vấn đề nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Hà Nội…

Về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn TP Hà Nội, Bí Thư Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Đây là vấn đề rất hệ trọng và bức thiết đối với TP. Vì vậy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP hoàn thiện Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập, trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP trước khi trình HĐND TP xem xét.

Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá kỹ thực trạng đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn cũng như hệ thống xử lý nước thải của từng quận, huyện nói riêng và của TP nói chung; đánh giá thực trạng các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn; sự phù hợp của quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của TP Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.

 

Đồng thời, làm rõ những nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) để xảy ra tình trạng úng ngập như hiện nay; nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn TP… Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp căn cơ để Ban cán sự đảng UBND TP tổng hợp, tiếp thu và phân công nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương khắc phục có hiệu quả tình trạng ngập úng trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.

Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tại Nghị quyết 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định “thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động” là một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII xác định “đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại”. Để đạt được mục tiêu này, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, cho đến cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân; cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xứng tầm của TP cho lĩnh vực này.

Để Nghị quyết được triển khai thực hiện hiệu quả, khả thi và sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ, tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Nghị quyết đảm bảo bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu cụ thể của TP, nhất là về quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết; bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả, an toàn, đồng bộ và thông suốt trong quá trình tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị của TP; hướng tới phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.

Người đứng đầu Đảng bộ TP Hà Nội khẳng định những nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đồng chí đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp…/.

 

 

Trung Anh