Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời chất vấn.


Vẫn còn nhiều người dân chưa biết tới hai bộ quy tắc ứng xử

Chiều 8/12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu chuyển sang chất vấn nhóm vấn đề về tình hình và kết quả thực hiện hai quy tắc ứng xử trên địa bàn TP.

Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức) quan tâm tới tác động của hai bộ quy tắc ứng xử với công tác cải cách hành chính và mức độ hài lòng của người dân về thái độ phục vụ hành chính của các cơ quan TP. Đại biểu đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nguyên nhân, phương hướng cải thiện các chỉ số PAPI, SIPAS của TP hiện nay.

Đáng lưu ý, có một số đại biểu nêu thực trạng vẫn còn nhiều người dân chưa biết việc TP ban hành hai bộ quy tắc ứng xử và đề nghị làm rõ trách nhiệm của các địa phương trong triển khai nội dung này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, với trách nhiệm cơ quan tham mưu, Sở đã tham mưu TP cụ thể hóa quy tắc ứng xử, dành nhiều thời gian kiểm tra các đơn vị cấp cơ sở. Qua đó ghi nhận, sau 1 năm, việc thực hiện đã có sự chuyển biến rõ nét. Các cơ quan đơn vị nghiêm túc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử, công tác tiếp dân được quan tâm, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn được nâng lên (năm 2017 đạt 95%, 2018 đạt 97%, 2019 đạt 98,8% và 10 tháng năm 2020 đạt 99,8%). Liên tiếp trong các năm từ 2017 - 2019, chỉ số cải cách hành chính của TP Hà Nội đều duy trì ở vị trí thứ 2/63 tỉnh thành.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy còn bộc lộ những tồn tại, chỉ số PAPI, SIPAS còn thấp. Trong đó, cấp sở ngành thấp hơn cấp quận huyện và các lĩnh vực tài nguyên môi trường có chỉ số hài lòng thấp nhất. Nguyên nhân theo bà Hà, do sự tìm hiểu nghiên cứu hai bộ quy tắc ứng xử còn hạn chế; công tác triển khai chưa sâu rộng; việc ban hành văn bản và quy trình hướng dẫn, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên môi trường còn nhiều vướng mắc dẫn đến chậm muộn trong giải quyết thủ tục…

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động kiến nghị TP tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với vị thế, vai trò của văn hóa Thủ đô như xây dựng các nhà văn hóa ở xã, thôn; Xây dựng thêm công viên; Tôn tạo, tu bổ danh lam thắng cảnh... để TP có thêm nhiều điểm vui chơi, điểm đến văn hóa.

Tiếp thu, giải trình nội dung các đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, hai bộ quy tắc ứng xử được TP ban hành từ năm 2017 nhưng qua giám sát thì còn một số người dân vẫn chưa biết về hai bộ quy tắc này. Nguyên nhân trước hết là do công tác thông tin, tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể. Do vậy, cùng với các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về 2 bộ quy tắc bằng nhiều hình thức để nhân nhân biết và tự giác thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP  Hà Nội Ngô Văn Quý  trả lời chất vấn.

Giải trình chất vấn của đại biểu về tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, trong 2 bộ quy tắc đã quy định nội dung này, tuy nhiên thực tiễn vẫn có hiện tượng như đại biểu nêu. Nguyên nhân do công tác tuyên truyền chưa sâu, chế tài xử lý chưa tích cực, triệt để. Về giải pháp tổng thể trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, trước hết vẫn phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng bằng nhiều hình thức; tăng cường công tác kiểm tra, có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Đối với cán bộ, công chức, viên chức thì gắn việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử với các tiêu chí đánh giá, khen thưởng, xử phạt. Với người dân thì cần nghiên cứu các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy tắc nơi công cộng để tạo chuyển biến...” - Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nói

Hành động khẩn trương, quyết liệt hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

Trao đổi thêm về hai nội dung được đưa ra chất vấn tại kỳ họp cả ngày 8/12, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Đối với công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND TP đã ban hành các quyết định về: Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030; Quy định quản lý hoạt động khoáng sản; Quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Phê duyệt đề án thăm dò đánh giá trữ lượng và chất lượng khoáng sản đối với các điểm mỏ cát trên các sông thuộc địa bàn TP; Phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn I.

Hằng năm, UBND TP đều có kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Cơ quan quản lý tại địa phương cũng như Công an TP còn thiếu về nhân lực, phương tiện, bến bãi thu giữ tang vật cũng như chế tài xử phạt. Luật định của các ngành liên quan chưa thống nhất.

Trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội kiên quyết quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản trên địa bàn thành phố; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và khai thác khoáng sản.


Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tiếp thu tại phiên chất vấn.


Về việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử của TP, Chủ tịch UBND TP cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện, hai bộ quy tắc ứng xử đã góp phần nâng cao văn hóa ứng xử, trang phục, nền nếp, tác phong, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức; Ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của người dân ở nơi công cộng được nâng lên. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử đã có tác động tích cực trong xây dựng, hình thành chuẩn mực văn hóa, giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Chủ tịch UBND TP cho biết, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã siết chặt kỷ cương hành chính; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai; tăng cường công tác tuyên truyền đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất để việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ, nhân dân Thủ đô.

Thông tin về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 vừa được HĐND TP thông qua; Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển; Đảm bảo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và tổ chức bầu đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thành phố sẽ cụ thể hóa hai Nghị quyết của Quốc hội số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô…

Nhấn mạnh năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra rất nặng nề, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, tập thể UBND TP quyết tâm nỗ lực hết mình, hành động khẩn trương, quyết liệt hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Quốc Tuấn