Quang cảnh Hội thảo. 


Ngày 26/4, Thị ủy - HĐND - UBND Thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài”, nhân kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022). 

Tại Hội thảo, Thành ủy viên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết: Thị xã Sơn Tây có hệ thống di sản phong phú, giàu truyền thống. Trong đó, Thành cổ Sơn Tây là một trong những trọng trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09 về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây (1822-2022) là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến liên quan đến các giá trị văn hóa xứ Đoài.

Hội thảo cũng là dịp để nhìn nhận đánh giá giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, để Sơn Tây xây dựng cơ sở đề xuất với Trung ương, Thành phố công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai chia sẻ, Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa về nhiều phương diện. Có thể nói sau điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội trở thành nơi hội tụ, giao thoa văn hóa, hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Đoài. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa xứ Đoài luôn nhận được sự quan tâm của Thành phố. Với Thị xã Sơn Tây - vùng đất có bề dày văn hóa, vị trí chiến lược thì hội thảo đóng vai trò quan trọng, góp phần khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo cùng những đặc trưng di sản mà tiêu biểu là Thành cổ Sơn Tây.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nội Bùi Huyền Mai mong muốn các nhà khoa học, quản lý sẽ thảo luận, trao đổi để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam trước xu thế hội nhập, phát triển của Thủ đô và đất nước; đặc biệt là hệ thống các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên vùng đất Sơn Tây nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tiêu biểu của văn hóa xứ Đoài. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đề nghị Hội thảo cần tập trung đánh giá, phân tích và đề xuất các giải pháp gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch văn hóa, hướng tới phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa của Sơn Tây nói riêng và Thủ đô nói chung.

Gần 40 bài tham luận được trình bày và gửi tới hội thảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến để di tích Thành cổ Sơn Tây nâng tầm giá trị. Đây đều là những bài viết công phu, đầy tâm huyết được đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu của các tác giả. Chính bởi thế, những tham luận trên có hàm lượng khoa học lớn, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài.

Nhiều đại biểu đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa xứ Đoài. Có thể kể đến các tham luận như: Văn hóa xứ Đoài trong dòng chảy văn hóa Việt Nam; lễ hội dân gian xứ Đoài; truyền thống khoa cử và các nhà khoa bảng xứ Đoài; một số bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Sơn Tây thời Nguyễn cuối năm Quý Tỵ 1883; giá trị lịch sử - văn hóa của Thành cổ Sơn Tây; Thành cổ Sơn Tây - công trình quân sự tiêu biểu phía Tây Thăng Long; bảo tồn Thành cổ Sơn Tây - Di tích tiêu biểu của xứ Đoài ngàn năm văn hiến; khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch thị xã Sơn Tây hiệu quả, bền vững; những di tích lịch sử - văn hóa trên đất Sơn Tây…

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu tại hội thảo. 


Những tham luận của các tác giả tham dự hội thảo sẽ góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Được biết, Thành cổ Sơn Tây là tòa thành đá ong nằm ở trung tâm Thị xã Sơn Tây, đây là một trong số ít những di tích giữ được không gian đẹp, với hệ thống hào nước, cổng thành và một số công trình như Điện Kính Thiên, Kỳ đài… Thành cổ Sơn Tây được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1822 và là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa. Đây cũng là di tích văn hóa, lịch sử đại diện cho mô hình thành lũy Việt Nam thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, nơi đây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp.

Thành được xây dựng có hình tứ giác, xung quanh có hào nước bao bọc với chiều dài 1.795m, chiều rộng của hào từ 25-30m có độ sâu 2-3m, đi qua hào nước là bức tường thành bằng đá ong. Thành cổ có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông, mỗi cổng có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang. Hai cổng chính là cổng Bắc hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở UBND thị xã Sơn Tây) và cổng Nam nhìn ra phố Quang Trung.

Phía trên mỗi cổng đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có duy nhất một lối ra vào. Phía ngoài có đắp Dương mã thành (mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. Bề mặt thành có nhiều lỗ phía trên để quân lính nấp từ trong bắn súng ra ngoài.

Trải qua 200 năm tồn tại cùng những thăng trầm, biến cố lịch sử, nhiều công trình của thành đã bị phá huỷ. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, nhiều dự án tu bổ, khôi phục lại các công trình của thành đã được triển khai. Dựa vào các tư liệu cổ, các công trình đã được dựng lại trên nền cũ.

Để tiếp tục phát huy giá trị Thành cổ Sơn Tây, đồng thời, tạo điểm nhấn về du lịch, UBND Thị xã Sơn Tây đang khẩn trương triển khai những bước cuối cùng để tuyến phố đi bộ quanh khu vực Thành cổ đi vào hoạt động đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tuyến phố đi bộ thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở UBND Thị xã Sơn Tây (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (tức Cổng Tiền, khu vực ngã ba Quang Trung - Nguyễn Thái Học). Tuyến phố đi bộ sẽ gồm phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh, đường dạo phía ngoài của Thành cổ. Các khu vực: Vườn hoa trung tâm thị xã; quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm... cũng sẽ trở thành phố đi bộ./.

Nam Khánh