Môt kỳ họp HĐND TP Hà Nội. (Ảnh: NK)


Đề án hướng tới các mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, chất lượng hoạt động của đại biểu dân cử; phát huy hơn nữa vai trò của HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân Thủ đô; thực hiện có hiệu quả về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 28/11/2019 của Quốc hội.

Đề án xác định một số chỉ tiêu cụ thể là: 100% cấp ủy quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND quận, huyện thị xã và xã, thị trấn, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai và quán triệt Đề án đến 100% các chi bộ cơ sở trực thuộc và chi bộ, đảng viên; 100% mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, các chương trình, đề án, kế hoạch của Thành ủy và cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 được cụ thể hóa tại các nghị quyết của HĐND các cấp, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng với đó, 100% đại biểu HĐND các cấp được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hằng năm, đặc biệt quan tâm đến các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND các cấp, các tổ đại biểu HĐND cấp TP và cấp huyện tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề; đảm bảo số lượng và chất lượng HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2 cuộc giám sát; Thường trực HĐND các cấp tổ chức ít nhất 4 cuộc giám sát, chất vấn, giải trình giữa 2 kỳ họp; các ban của HĐND các cấp tổ chức ít nhất 2-4 cuộc giám sát, khảo sát; các tổ đại biểu HĐND TP và cấp huyện tổ chức ít nhất 1 cuộc giám sát, khảo sát tại đơn vị ứng cử.

Đồng thời, phấn đấu 100% đại biểu HĐND thực hiện tiếp công dân theo quy định; 100% kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến HĐND, đại biểu HĐND được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc xử lý, giải quyết các kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan có thẩm quyền.

Hằng năm, Thường trực HĐND, tổ đại biểu HĐND tổ chức ít nhất 1 cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) chuyên đề; hằng quý, Thường trực HĐND TP tổ chức giao ban chuyên đề về hoạt động của HĐND các cấp với Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã; khuyến khích Thường trực HĐND huyện, thị xã tổ chức giao ban chuyên đề với Thường trực HĐND xã, thị trấn 6 tháng/lần.

Đề án xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp TP; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND và các cơ quan liên quan; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ của bộ máy giúp việc HĐND các cấp; tăng cường hoạt động của Thường trực HĐND, các ban HĐND, các tổ đại biểu và ĐB HĐND TP, HĐND quận, thị xã tại nơi không tổ chức HĐND phường.

Để tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Đảng đoàn HĐND TP chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Thành ủy để tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức quán triệt đến các cấp ủy đảng theo quy định; xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; tổ chức quán triệt các nội dung của Đề án và Kế hoạch của Đảng đoàn tới các ĐB HĐND TP, Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã; chỉ đạo Thường trực HĐND, các ban HĐND TP đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án của các cấp ủy và Thường trực HĐND các cấp; lồng ghép với các nội dung giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND TP; tổ chức sơ kết việc thực hiện Đề án định kỳ gắn với hoạt động tổng kết, đánh giá thi đua khen thưởng hằng năm của HĐND các cấp của TP.../.

Nam Khánh